UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định liên quan đến danh mục sản phẩm chủ lực; định mức hỗ trợ đối với từng hạng mục; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư để các nhà đầu tư biết và định hướng đầu tư cho phù hợp. Đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.
Sản phẩm nông sản đặc trưng được trưng bày, giới thiệu tại nhiều sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.
Đồng bộ giải pháp cùng nỗ lực, quyết tâm của các ngành, huyện, thành phố và nông dân, toàn tỉnh xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 3.200ha. Cây chè có tổng diện tích đạt 7.775ha, đã phát triển thành các vùng tập trung gắn với xây dựng nhà máy chế biến. Cây cao su đạt 12.995,77ha được trồng thành vùng tập trung tại Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Than Uyên, Mường Tè; đã khai thác trên 6.700ha, năng suất bình quân 1,1 tấn mủ khô/ha/năm. Ngoài ra còn mắc-ca (3.866,3ha), chanh leo (46ha), chuối (3.912ha), cam (280ha), cây ăn quả nhiệt đới (mít, xoài, nhãn) 709ha, cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận, hồng) 699ha, bơ (gần 80ha), hoa (78ha)... Đồng thời, hình thành 7 liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Gồm: 1 hợp tác xã (HTX) liên kết thu mua lúa séng cù; 14 doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, chế biến chè; 2 công ty liên kết trong sản xuất cao su; 1 công ty liên kết tiêu thụ nhãn; 1 HTX liên kết tiêu thụ dong riềng; 1 HTX ký các liên kết với 2 công ty tiêu thụ chanh leo, bưởi da xanh, nhãn chín sớm, ổi Đài Loan...; 2 doanh nghiệp ký liên kết với công ty trong chăn nuôi lợn. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh vững tin xây dựng thương hiệu nông sản Lai Châu.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ Sở Khoa học và Công nghệ. Đơn vị đã hướng dẫn cấp văn bằng bảo hộ cho 33 nhãn hiệu (27 nhãn hiệu hàng hóa thông thường và 6 nhãn hiệu chứng nhận: gạo séng cù, tẻ râu, khẩu ký, nếp tan Co Giàng, chè Tam Đường, chè Tân Uyên); 80 sản phẩm đang được tiến hành đăng ký bảo hộ, được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn gồm: rau thủy canh, miến dong, gạo khẩu hốc, sâm Lai Châu, lan Kim tuyến... Hỗ trợ một số doanh nghiệp minh bạch trong giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiếp cận hiệu quả người tiêu dùng. Sở Công thương hỗ trợ, tạo điều kiện trên 40 lượt doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, làng nghề, nghề truyền thống tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại 7 hội chợ và tham dự hội nghị kết nối giao thương, kết nối người sản xuất với doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại trong các làng nghề, nghề truyền thống, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Một trong những động thái quan trọng góp phần đưa thương hiệu sản phẩm nông sản Lai Châu vươn ra thị trường trong và ngoài nước, tháng 7 và 12/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp tổ chức đánh giá, phân hạng 2 đợt cho 23 chủ thể có 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, đợt 1 có 23 sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao; đợt 2 có 24 sản phẩm đạt 3 sao. UBND tỉnh cũng tổ chức Hội nghị công bố quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng và trao Giấy chứng nhận sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020 cho các sản phẩm. Các sản phẩm được tỉnh đưa xuống trưng bày, giới thiệu tại phố đi bộ ở Hà Nội, giúp kết nối nhiều khách hàng tiềm năng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Điển hình như Cơ sở Ninh Sớp chuyên sản xuất các loại thịt sấy của dân tộc Thái ở thành phố Lai Châu của bà Đèo Thị Sớp. Là người con dân tộc Thái với nhiều nét đặc sắc trong ẩm thực truyền thống, bà Sớp quyết tâm giữ gìn, phát huy. Đã có 2 sản phẩm: thịt trâu và thịt lợn sấy khô được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bà Sớp chia sẻ: “Đảm bảo tuyệt đối chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra, quy trình chế biến hoàn toàn thủ công với gia vị đặc trưng tự tay tôi lựa chọn giúp cơ sở có số lượng khách hàng ngày càng tăng. Sau khi đưa sản phẩm về Hà Nội trưng bày, giới thiệu đã có một số siêu thị, nhà hàng liên hệ để liên kết sản xuất, tiêu thụ”.
Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau thủy canh không dùng hóa chất, phân bón hóa học giúp HTX Quyết Tâm (thành phố Lai Châu) có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh và đáp ứng thị hiếu của nhiều khách hàng khó tính. Theo anh Đào Ngọc Sơn - Giám đốc HTX, hiện đơn vị tập trung sản xuất các loại rau: xà lách, cải ngọt, cải bó xôi thủy canh, cà chua, dưa vàng kim vương. Đảm bảo an toàn tuyệt đối với quy trình sản xuất khép kín, nguồn cung hiện nay không đủ cầu. Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, HTX đang tập trung đầu tư trồng, chế biến các loại cao, hoa acstiso tại huyện Sìn Hồ. Các sản phẩm đã có chứng nhận kiểm định. Hy vọng thời gian tới, tỉnh có thêm nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cũng như xúc tiến thương mại để HTX Quyết Tâm nói riêng, các đơn vị đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung có thêm cơ hội quảng bá, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tháng 11/2020, Cửa hàng liên kết - giới thiệu - tiêu thụ nông sản an toàn của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở cửa hoạt động. Đã thu hút 80 sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh; sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng của hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, hội viên nông dân trong tỉnh. Tại các sự kiện quan trọng của tỉnh, các ngành, địa phương đều được bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng. Ngành Nông nghiệp Lai Châu đã có bước tiến mới từ định hướng, hỗ trợ, triển khai đến đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu nông sản và tự tin vươn xa.
Nam Phong
0 bình luận