Di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể

  • Xã Mường Kim, Huyện Than Uyên, Tỉnh Lai Châu
  • Miễn phí
  • 4007 Lượt xem
  • Lượt thích
  • 0 Đánh giá
Di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể

Di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh phát hiện năm 2010. Người dân địa phương gọi đây là hang Thẩm Đán Chể vì theo tiếng Thái có nghĩa là “Hang đá giấy”. Di chỉ là cái nôi của sự phát triển và địa bàn cư trú lâu đời của người Việt cổ, là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng góp phần nghiên cứu nguồn gốc loài người và các nền văn hoá cổ xưa nhất của loài người trên lãnh thổ Việt Nam. 

Di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể là gồm hệ thống 3 hang chính và nhiều hang nhỏ được liên kết liên hoàn với nhau xung quanh dãy núi đá vôi Đán Chể. Trong hệ thống hang động và mái đá thuộc di chỉ đã phát hiện di cốt động vật hoá thạch và công cụ đá của người tiền sử. 

Trong hệ thống hang chính đều có cửa quay về hướng đông hình mái vòm, trần hang cao trung bình từ 7m - 10m, độ sâu của hang trung bình từ 12m - 15m. Hai bên vách hang và phía trước cửa hang có các khối trầm tích chứa hóa thạch động vật. Nền hang gồm 2 cấp, đã tìm thấy nhiều công cụ ghè, đẽo của người tiền sử. Về di tích cổ sinh đã phát hiện các tảng trầm tích trên trần và vách hang với mật độ cao hóa thạch các loài động vật có vú như voi, tê giác, lợn, trâu bò. Đặc biệt ở đây đã tìm thấy di cốt gần như đầy đủ của một loài bò sát. Đây là trường hợp quý hiếm ở Việt Nam. Tổ hợp di vật tìm thấy trong hệ thống hang Thẩm Đán Chể cho thấy, đây là một di tích cổ nhân - cổ sinh hóa thạch với nhiều giai đoạn khác nhau.

Những trầm tích màu đỏ chứa hóa thạch động vật có thể có tuổi cuối trung kỳ Pleistocen, tương đương với tuổi các hang động Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), nơi đã tìm thấy di cốt người vượn đứng thẳng Homo erectus, niên đại 500.000 năm cách ngày nay.

Những trầm tích màu vàng chứa hóa thạch động vật có thể có tuổi hậu kỳ Pleistocen, niên đại trên dưới vài vạn năm, tương đương với tuổi các di tích hang động: Thẩm Hai (Yên Bái), Thẩm Ồm (Nghệ An) và Làng Tráng (Thanh Hóa). Những di tích này đã tìm thấy Homo sapiens sớm, tuổi từ 80.000 đến 60.000 năm cách ngày nay. 

Những di vật tìm thấy trong trầm tích Post – Plei stocene, nằm sâu dưới lớp nhũ, chưa khai quật, nhưng những công cụ cuội ghè đẽo thô sơ cho thấy có yếu tố Tiền Hòa Bình, tương đương với Sơn Vi muộn và Hòa Bình sớm, có niên đại cách ngày nay vài vạn năm.

Điều đó cho thấy từ xa xưa vùng đất Than Uyên nói chung và khu vực Mường Kim nói riêng đã có một vị trí vô cùng thuận lợi cho việc cư trú của người Việt cổ, ngay từ Triều Lý thế kỷ XI, Than Uyên thuộc mường Tiến, châu Đăng; thời Hậu Lê – Than Uyên với các mường nhỏ (Mường Kim, Mường Than, Mường Cang) thuộc châu Chiêu Tấn, phủ An Tây trong thừa tuyên Hưng Hoá. Đặc biệt vùng đất này đã từng là lỵ sở của châu Chiêu Tấn rộng lớn bắt đầu từ năm 1851 dưới thời vua Tự Đức năm thứ tư - Triều Nguyễn. 

Di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể nằm ở vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Lai Châu. Đây là khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Nậm Mu. Ngoài ra, dãy núi Đán Chể nơi có di chỉ còn nằm tiếp giáp trên tuyến quốc lộ 32, cửa ngõ phía đông nam của tỉnh Lai Châu và nằm trên tuyến du lịch lòng hồ thuỷ điện Huội Quảng – Bản Chát trong tương lai. Trong hệ thống hang động đã phát hiện nhiều thạch nhũ và măng đá có hình thù kỳ lạ. 

Thẩm Đán Chể là một trong những di tích khảo cổ học đặc biệt quan trọng trong hệ thống hang cổ sinh hoá thạch ở Bắc Việt Nam nói chung và Lai Châu nói riêng. Di tích còn nguyên vẹn, mật độ hoá thạch cao, diện tích rộng, cùng với hoá thạch động vật còn có dấu tích hoạt động sống của con người thời tiền sử, với nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Đây là di tích hang động duy nhất có đủ các thông tin về các quần động vật cổ xưa nhất của loài người trên đất nước ta, cả giai đoạn trung kỳ, hậu kỳ Cánh tân và di tích khảo cổ hang động thời đại đá cũ, đá mới. 

Cùng với di chỉ khảo cổ học Nậm Tun tại huyện Phong Thổ và các di chỉ ven sông Đà, sông Nậm Mu được khai quật trong thời gian gần đây, di chỉ Thẩm Đán Chể là di chỉ đặc biệt quan trọng chứng minh vùng đất Lai Châu xưa cũng là cái nôi của sự phát triển và địa bàn cư trú lâu đời của người Việt cổ, là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng góp phần nghiên cứu nguồn gốc loài người và các nền văn hoá cổ xưa nhất của loài người trên lãnh thổ Việt Nam. 

Dịch vụ

  • Thuyết minh lịch sử

Loại hình

  • Du lịch văn hóa
  • lịch sử
  • Du lịch tham quan
  • khám phá

Giờ mở cửa


Nội quy tham quan


Vé và lệ phí


Liên hệ

  • Xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu

Viết đánh giá

Bản đồ