Tết ngô là ngày tết cổ truyền của dân tộc Cống Đây là ngày tết lớn, tết cả của người Cống nên quy mô tổ chức to nhất so với các lễ tết khác trong năm. Một không khí lễ hội náo nức ngập tràn trong bản làng. Từ ngày 28, 29, 30 tháng Năm âm lịch hàng năm,
các gia đình đã giết một con lợn để làm cơm mời dân bản đến ăn tết cùng gia đình. Tập quán của người Cống ăn tết từ nhà nọ sang nhà kia, hàng xóm láng giềng, anh em trong dòng họ thay nhau mời mọi người đến dự tết cùng với gia đình, không khí lễ tết càng thêm ấm áp, gắn bó.
Tết ngô được tổ chức khi mùa ngô thu hoạch xong, diễn ra đúng vào ngày 01 tháng Sáu âm lịch hàng năm. Trước kia tết thường kéo dài tới 7 ngày, hiện nay tết rút ngắn chỉ còn từ 3 đến 4 ngày.
Để đón tết ngô, người Cống thường phải chuẩn bị trước nửa tháng. Không khí nhộn nhịp của ngày tết về đến từng gia đình từ 3 đến 4 ngày trước khi ngày tết chính diễn ra. Nhà nhà trong bản đều chuẩn bị ngày tết của gia đình mình sao cho thật chu đáo và vui vẻ nhất. Mọi người trong gia đình đi kiếm củi, lên rừng lấy măng, hái nấm, lên nương bẻ ngô, xuống suối bắt cá, bắt cua về để chuẩn bị cho ngày tết ngô.
Trong ngày tết ngô có rất nhiều món ăn được chế biến từ ngô non như ngô luộc, bánh ngô, cơm ngô, có cả bánh chưng, cơm lam… Các gia đình đều chế biến các món ăn thật ngon để dâng cúng cho tổ tiên của mình. Hai món ăn không thể thiếu được trong ngày tết ngô là bánh ngô và cơm ngô. Bánh ngô được chế biến từ ngô nếp non nạo nhỏ trộn đều với đường sau đó lấy lá chít gói lại to khoảng 2 đầu ngón tay. Bánh ngô được đồ bằng chõ xôi khoảng 1 giờ là ăn được. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và cũng được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên trong chõ xôi, cơm chín có mùi thơm rất quyến rũ của ngô nếp non với hương thơm của gạo nếp.
Sáng ngày 01 tháng Sáu âm lịch. Mọi gia đình người Cống đều chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên. Đây là mâm cúng đầu năm mới, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tham gia. Lễ vật cúng gồm: Thịt lợn “vạ sà”, Thịt gà “ga sà”, cơm ngô “sa tu hằng”, bánh ngô “sa tu pe le”, 4 con cua “làng tò”, Nấm rừng “mung xi”, Ngọn bí luộc “pa khạm chá công”
Đêm giao thừa tết ngô, 30 tháng Năm âm lịch, bản làng người Cống tưng bừng với những điệu múa đêm giao thừa đón năm mới, múa “ pê lêm giao”. Đây là điệu múa tập thể đông người, theo một vòng rộng cả nam cả nữ, cũng có thể xếp thành từng đôi một nam và một nữ… Múa đón giao thừa được tổ chức ở sân rộng, xung quanh đống lửa to và tất cả mọi người đều tham gia vào cuộc vui để đón chào một năm mới.
Phương Liên
0 bình luận