DU LỊCH LAI CHÂU   CẦN ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HÀNG LƯU NIỆM

DU LỊCH LAI CHÂU CẦN ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HÀNG LƯU NIỆM

Mặt hàng lưu niệm, quà tặng du lịch – Một trong những yếu tố thu hút du khách, thể hiện một phần đặc trưng những nét văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch về thiên nhiên, con người tại điểm đến.




Năm 2012, Lai Châu tham gia cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” được tổ chức từ ngày 11- 18/11/2012 tại Sapa – Lào Cai. Các mặt hàng lưu niệm của Lai Châu được đánh giá cao, các sản phẩm “Chặn giấy Hoa Ban – Đàn tính”, túi đeo của dân tộc Thái “Qua miền Tây Bắc” đã đạt giải ba, hay hình ảnh “Quả bầu mẹ” cũng đã đạt giải khuyên khích của cuộc thi. Hai năm sau cuộc thi, các  mặt hàng lưu niệm tại Lai Châu vẫn chưa thực sự phong phú và còn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. 
Lai Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các mặt hàng quà tặng du lịch gắn liền với các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc. Bàn tay khéo léo, kiên trì của bà con  có thể làm ra những dụng cụ, đồ vật ngộ nghĩnh, đẹp mắt như những chiếc túi thổ cẩm, những chiếc khăn piêu hay mô hình những chiếc đàn tính tẩu tinh sảo… .Tuy nhiên, hiện ở Lai Châu, khách du lịch rất khó tìm mua các sản phẩm sản xuất bằng vật liệu tự nhiên của địa phương, hoặc có cũng chỉ là hàng nhập từ tỉnh khác. 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên đó là hoạt động du lịch Lai Châu vẫn đang diễn ra ở quy mô nhỏ, du khách vào Lai Châu phần lớn là du khách từ Điện Biên và Lào Cai. Hai địa phương đã có thể mạnh về sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch. Những sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét giá trị điểm đến phần nào đó chưa hấp dẫn được du khách. Bên cạnh đó,  hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có rất ít các cơ sở chuyên sản xuất và chế tác mặt hàng lưu niệm, nó khiến mặt hàng này còn rất nghèo nàn, một số sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch như bản Hon, bản Vàng Pheo hay bản Gia Khâu thực chất là các sản phẩm được làm gia trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Bà con chưa có ý thức đúng đắn về sản phẩm du lịch, chưa có  nhận thức rõ ràng về lợi ích mà những món quà tặng nhỏ bé đó mang lại. Trên thực tế, mặt hàng lưu niệm và quà tặng du lịch là một hình thức quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên con người một cách rất hiệu quả, chỉ cần một món quà nhỏ bé nhưng thể hiện được nét văn hóa cùng miền chính là điểm nhấn, là dấu ấn cho du khách nhớ về điểm du lịch đó. Quà tặng du lịch theo tay du khách sẽ là hình thức quảng cáo du lịch nhanh và hiệu quả nhất.

Giải pháp  đặt ra cho Lai Châu hiện giờ chính là xây dựng những sản phẩm lưu niệm đặc trưng thể hiện nét văn hóa riêng của Lai Châu mà không trùng lặp với các tỉnh trong khu vực. Đến Điện Biên du khách bị thu hút bởi những dụng cụ được chế tác tinh xảo hình những cánh hoa ban, hay mô hình tượng đài chiến thắng điện biên; đến Sapa món quà được du khách để mắt chính là mô hình nhà thờ đá thu nhỏ mập mờ trong làn sương... Tại Lai Châu, dân tộc Lự một trong những dân tộc ít người của cả nước. Người Lự nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa như dệt thổ cẩm, tục nhuộm răng đen.. đặc biệt nghề dệt thổ cẩm của người Lự đã nổi tiếng gần xa và được du khách biết đến. Nếu có những chính sách hỗ trợ  phát triển nghề dệt đúng đắn, kịp thời chắc chắn những sản phẩm như: Trang phục, túi thổ cẩm, khăn...sẽ trở thành những quà tặng du lịch rất hấp dẫn với du khách. Bên cạnh đó, Lai Châu cũng còn nhiều các nghề thủ công truyền thống như: Mây tre đan, điêu khắc, trạm trổ.. những nghề thủ công đó hoàn toàn có thể chế tác ra được những sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, làm phong phú thêm các mặt hàng lưu niệm, tạo cho du khách nhiều lựa chọn hơn nữa về các món hàng để mang về làm quà sau mỗi chuyến đi, mỗi điểm đến.

Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị của mặt hàng lưu niệm và quà tặng du lịch. Vừa quảng bá được hình ảnh du lịch vừa mang lại thu nhập cho bà con, địa phương. Nhưng để phát triển hơn nữa mặt hàng này vẫn cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa. Các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch cẫn có những kế hoạch, chiến lược phát triển mặt hàng lưu niệm. Giải pháp trước mắt có thể chung tay với các bản du lịch để thành lập các hợp tác xã thổ cẩm, mở các lớp dạy nghề thủ công truyền thống cho bà con như: dệt, đan nát, điêu khắc... khuyến khích từng cá nhân có thể tự chế tác các sản phẩm lưu niệm độc đáo. Một yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mặt hàng lưu niệm, quà tặng du lịch đó chính là tính thời vụ trong du lịch. Hoạt động du lịch có tính mùa vụ, không phải lúc nào những sản phẩm du lịch được làm ra cũng được tiêu thụ,  vì vậy các tổ chức, cá nhân cần tìm cho mình những liên kết đầu ra cho sản phẩm để có thể phát triển một cách ổn định và lâu dài. Ngoài ra, chúng ta có thể hợp tác với những địa điểm thường xuyên có hoạt động đi lại, ăn nghỉ của du khách như: Sân bay, nhà ga, bến tàu, siêu thị, khách sạn, nhà nghỉ... để có thể trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm lưu niệm. Hay những lần hội chợ về thương mại, du lịch là cơ hội tốt để chúng ta trưng bày và giới thiệu các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch hấp dẫn của địa phương.

Những món quà lưu niệm, quà tặng du lịch tuy nhỏ bé nhưng lại rất ý nghĩa. Phát triển món quà lưu niệm, quà tặng du lịch góp phần quảng bá, giới thiệu về văn hóa vùng miền, tăng nhu nhập kinh tế cho bà con, địa phương nói riêng và tăng trưởng du lịch nói chung. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu với những ý tưởng mới về sản phẩm lưu niệm ngay từ hôm nay.
Minh Hoàng
Cập nhật ngày 12/5/2014

0 bình luận

Viết bình luận của bạn