Giữ thương hiệu gạo Séng Cù

Giữ thương hiệu gạo Séng Cù

Được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”, huyện Than Uyên đang từng bước quản lý, phát triển thương hiệu trên địa bàn. Từ đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển; góp phần mang lại nhiều nguồn lợi cho sự phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Xây dựng thương hiệu

Có mặt tại khu vực chợ trung tâm huyện Than Uyên khi tết dương lịch cận kề, chúng tôi bắt gặp cảnh tấp nập người mua, người bán gạo séng cù. Với người mua đều lựa chọn cho mình gạo séng cù thật ngon, còn người bán có giá thành thật tốt bù đắp công chăm sóc, thu hoạch sau 1 vụ trồng. Nhiều khách hàng còn tìm đến các cơ sở, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận để mua gạo séng cù về làm quà cho người thân trong dịp tết này. Nông dân ở xã: Hua Nà, Mường Cang được thiên nhiên ưu đãi từ nguồn nước, khí hậu đến thổ nhưỡng phù hợp với lúa séng cù. Đây cũng là lý do giúp gạo séng cù ở Than Uyên luôn thơm ngon, đậm đà, có vị khác biệt so với các vùng khác.

Anh Nùng Văn Phát, bản Hua Nà, xã Hua Nà chia sẻ: “Đây là năm thứ 2 gia đình tôi gieo cấy lúa đặc sản séng cù với trên 2.000m2. Đây là giống lúa thơm, ngon, dẻo, nhiều thành phần dinh dưỡng, đặc biệt lúa séng cù có giá thành cao hơn nhiều lần so với lúa thường nên mang lại giá trị kinh tế rất cao”. 

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Kiều Doãn Giáp, đội 18, xã Mường Cang - cơ sở xay xát thóc lớn ở huyện Than Uyên. Đang nhanh tay cho từng thúng thóc vào máy xát, anh Giáp phân bua: “Tôi đang xát đủ 3 tạ gạo séng cù để kịp gửi xe về Hà Nội cho khách hàng đặt từ mấy hôm trước. Dạo này bận quá, máy xát phải hoạt động suốt ngày đêm để đảm bảo gạo phục vụ các đơn đặt hàng những ngày cuối năm”.

Được biết, séng cù là giống lúa tẻ thơm có chất lượng ngon, giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều giống lúa khác. Gạo séng cù ở Than Uyên có đặc trưng riêng, gạo trắng trong, căng tròn, hương vị đậm đà, hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ khi được gieo trồng, séng cù đã nhanh chóng trở thành đặc sản của địa phương và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Từ những lợi thế này, huyện Than Uyên đã tổ chức triển khai thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển và tạo dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo séng cù Than Uyên” nhằm hướng tới phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa đặc sản của địa phương.

Cán bộ xã Hua Nà (huyện Than Uyên) hướng dẫn bà con bản Đán Đăm chăm sóc lúa séng cù

Với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng, dự án thực hiện thí điểm triển khai ở 2 xã: Hua Nà, Mường Cang trong giai đoạn 2016 - 2017 với diện tích 60ha, đến nay đã phát triển với quy mô 170ha ở xã: Hua Nà, Mường Cang, Mường Than và thị trấn Than Uyên. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, UBND các địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Để có giống tốt, huyện sử dụng giống séng cù được phục tráng, đúng với giống gốc ban đầu và kỹ thuật gieo trồng giống lúa Lào Cai kế thừa của Dự án “Nghiên cứu và Phát triển bền vững giống lúa séng cù” thực hiện tại tỉnh Lào Cai từ năm 2011 - 2014. 

Qua đánh giá, giống lúa séng cù có thời gian sinh trưởng từ 110 - 115 ngày, cây sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tập trung, bản lá to và bộ lá hơi rủ, bông to với số lượng 110 - 120 hạt/bông, năng suất trên 5 tấn/ha. Thực tế cho thấy, giá trị lúa séng cù khá cao, dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg thóc, giá gạo 22.000 - 25.000 đồng/kg trong khi các giống lúa chất lượng khác chỉ dao động từ 6.000 - 6.500 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế của lúa séng cù gấp 1,5 - 2 lần so với lúa thường...  

Giữ thương hiệu bền vững

Đến nay, gạo séng cù Than Uyên được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, huyện Than Uyên tổ chức họp bàn giải pháp quản lý, sử dụng thương hiệu gạo séng cù. Huyện giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực để tiến hành các hoạt động chứng nhận cho sản phẩm gạo séng cù Than Uyên. Trong đó, UBND huyện là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể còn doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo đặc sản séng cù Than Uyên”. Huyện chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh khi có dấu hiệu vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu không đúng mục đích. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã khi được lựa chọn huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo thành một chuỗi liên kết khép kín. 

Ông Vương Thế Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Qua một thời gian thử nghiệm triển khai xây dựng thương hiệu gạo séng cù cho thấy nếu không tập trung, không có liên kết sẽ mai một thương hiệu. Huyện đang rà soát toàn bộ diện tích đang triển khai, khuyến khích nông dân sản xuất tập trung và doanh nghiệp ký kết liên kết ngay từ khâu giống đến thu hoạch, bao tiêu đầu ra. Đồng thời, xây dựng mã số, mã vạch truy suất nguồn gốc cho từng doanh nghiệp để nhận biết các đơn vị đang sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gạo séng cù Than Uyên, đáp ứng yêu cầu thị trường”.

Hiện nay, toàn huyện đang xây dựng quy chế quản lý thương hiệu, xây dựng quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc lúa séng cù như: sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, bảo quản và chế biến sản phẩm gạo. Ngoài ra, huyện xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn chứa dấu hiệu nhãn hiệu chứng nhận gắn trên sản phẩm. 

Để thương hiệu phát triển bền vững, huyện Than Uyên cũng cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo séng cù. Người sản xuất phải bảo vệ và phát triển thương hiệu của sản phẩm bằng cách nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra gạo đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Xây dựng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Theo: Tùng Phương (baolaichau.vn)


0 bình luận

Viết bình luận của bạn