Lai Châu – Nơi chữa lành bởi những cảnh quan kỳ vĩ

Lai Châu – Nơi chữa lành bởi những cảnh quan kỳ vĩ

Nhiều năm nay, Lai Châu được biết đến là tỉnh có nhiều cảnh quan, núi rừng kỳ vĩ, ruộng bậc thang nên thơ dù là mùa nước đổ hay mùa cấy, mùa gặt, những hang động huyền bí, thác nước đầy mê hoặc… Mời các bạn hãy cùng đến khám phá Lai Châu và “chữa lành” bản thân.

Hùng vĩ trên đường lên Pu Si Lung.

 “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”

Đó là slogan của tỉnh Lai Châu những năm nay. Trong số 10 đỉnh núi được các tay trekking bình chọn là đẹp nhất Việt Nam thì Lai Châu có 6 đỉnh (Pu Si Lung (3.083m), Pu Ta Leng (3.049m ), Bạch Mộc Lương Tử (3.046m), Phàn Liên San (3.012m), Tả Liên Sơn (2.996m), Pờ Ma Lung (2.967m). Ngoài ra còn có vô cùng những đỉnh núi lớn, nhỏ khác để dành cho du khách mới trải nghiệm đến đam mê chinh phục như: Nam Kang Ho Tao, Chu va1, Chu va2…

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát đỉnh núi Pu Ta Leng.

Chinh phục các đỉnh núi, vượt qua giới hạn của bản thân, du khách còn được “chữa lành” bởi những gì mà thiên nhiên mang lại. Đó là những cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi; những cây chè cổ “vàng xanh” nơi núi rừng cho du khách dịu cơn khát; những con suối cạn phủ đầy rêu xanh trên phiến đá; sự sắp đặt của tự nhiên trên những phiến đá khiến chúng ta không thể rời mắt; những cây phong lá vàng, phong lá đỏ vào mùa khiến chúng ta u mê quên lối về; những cây hoa cổ thụ không tên vươn mình đón nắng; mùi hương thảo quả trên những lán nương; biển mây tựa tiên cảnh… tất cả đó là những món quà mà thiên nhiên, tạo hóa ban tặng cho chúng ta.

 

Du khách chụp ảnh bên gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Thủ phủ của nữ hoàng Đỗ quyên

Đỗ quyên hồng trên đỉnh Pu Ta Leng.

Mùa trekking 2024 là một năm thành công với du khách muốn săn hoa Đỗ quyên trên các đỉnh núi kỳ vĩ của Lai Châu.

Thật không sai khi các “phượt thủ”, các tay trekking chuyên nghiệp bình chọn cho Lai Châu là thủ phủ của hoa Đỗ quyên. Hầu như tất cả các đỉnh núi của Lai Châu đều có loài hoa rực rỡ này. Với hơn 20 màu hoa các loại trong đó nổi bật là sắc đỏ, tím, vàng, hồng, pha… Đỗ quyên đã thực sự làm say tất cả những ai bắt gặp, ngay cả người khó tính nhất cũng bật thốt lên: Không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp kiêu sa, rực rỡ của Đỗ quyên trên đỉnh núi Lai Châu.

Rực rỡ sắc đỗ quyên vàng.

Đỗ quyên bắt đầu khoe sắc và kéo dài trong khoảng thời gian hơn 2 tháng (từ tháng 3 đến khoảng đầu tháng 5 hàng năm - đây cũng là khi mùa leo núi kết thúc). Quyên vàng nở muộn nhất như lời chào tạm biệt tới những du khách trekking cuối mùa leo núi. Và với sự kiêu sa của mình, Đỗ quyên khiến người ta đi một lần lại muốn đi nữa, không bất ngờ khi Lai Châu luôn là sự lựa chọn hoàn hảo cho du khách muốn săn đỗ quyên.

Trở về với núi rừng, hòa nhập với thiên nhiên

Vẻ đẹp của cánh rừng nguyên sinh trên đường chinh phục Pu Ta Leng.

Giữa mênh mông của đất trời, chúng ta lạc vào những khu rừng tựa như cổ tích. Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Lai Châu đã giữ được những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với sự đa dạng của động, thực vật. Núi rừng Pu Si Lung (huyện Mường Tè) là nơi có Sâm Lai Châu - Quốc bảo Việt Nam. Sâm Lai Châu phát triển ở độ cao trên 1.500m, nằm dưới những cánh rừng nguyên sinh, rừng già cổ thụ vì vậy hàm lượng dưỡng chất, các hợp chất quý hiếm trong Sâm Lai Châu vô cùng cao và giá trị. Ngoài ra, dãy Hoàng Liên Sơn, núi rừng Nam Kang Hô Tao (huyện Tân Uyên), Pu Si Lung (huyện Mường Tè) cũng là nơi có những dược liệu vô cùng quý giá: Thất diệp nhất chi hoa, cỏ nhung…

Những cây cổ thụ rêu phong trong rừng nguyên sinh Lai Châu.

Không kể đến giá trị về các loại dược liệu, chỉ về với những cánh rừng nơi cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi chúng ta cũng đã được thiên nhiên chữa lành. Đi để cảm nhận sự khoáng đạt, hùng vĩ của thiên nhiên, tổ quốc Việt Nam. Còn gì tuyệt diệu hơn khi chúng ta lưu lại những khoảnh khắc bên những cây cổ thụ, “ngôi nhà rêu”, cổng trời, những dãy núi rêu phong… do thiên nhiên tạo ra.

Một cây hoa cổ thụ trong rừng nguyên sinh Lai Châu.

Ruộng bậc thang - tấm thảm vàng giữa núi rừng Tây bắc

Không thua kém bất cứ một vẻ đẹp kỳ vĩ nào về ruộng bậc thang, dù là mùa nào, vẻ đẹp của ruộng bậc thang cũng làm đắm say du khách.

Vẻ đẹp ruộng bậc thang mùa nước đổ.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ: Là sự lấp lánh, đan xen của các mảng màu: Nâu của đất màu mỡ phù sa, xanh của bầu trời, vàng của ánh nắng như màu mật… và nổi lên đó là gam màu của sự lao động của những người dân bản địa, của đồng bào Dao, Giáy, Mông, Thái… Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi núi rừng Lai Châu kỳ vĩ.

Mùa vàng Lai Châu.

Sắc vàng trên những tràn ruộng bậc thang: Nổi bật giữa màu xanh của núi rừng là những tràn ruộng bậc thang vàng óng ả, báo hiệu một mùa bội thu, mang lại sự no ấm cho người nông dân. Là sắc vàng xanh của lúa già, ngả vàng thêm của lúa chín và màu vàng đậm của những bông lúa uốn câu, cúi đầu chờ người nông dân thu hoạch. Cũng là màu vàng nhưng từ trên cao nhìn xuống, ruộng bậc thang mùa vàng với các sắc vàng nhạt, đậm đan xen khiến chúng ta không khỏi rời mắt. Và cũng bởi thế, hình ảnh của ruộng bậc thang như sự phản ánh chân thực nhất của đời sống người vùng cao: Sự cần mẫn, chăm chỉ đổi lại một cuộc sống ấm no như niềm tin của họ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Lai Châu – Nơi của những thác nước tình yêu gọi mời

Thác Tác Tình.

Thác Tác Tình (huyện Tam Đường) đã trở nên nổi tiếng nhiều năm nay với tất cả du khách khi đến với Lai Châu. Thác Tác Tình gắn với một câu chuyện tình yêu của một đôi trai tài gái sắc, do hoàn cảnh không đến được với nhau. Cái chết của họ dù vậy không trở thành một cái kết buồn, thác Tác Tình trở thành điểm thề nguyền, hẹn ước của những cặp trai gái, cầu mong tình yêu tốt đẹp. Hơn thế nữa, thác Tác Tình là một địa điểm đẹp để những người đến đây nghe dòng thác chảy mạnh mẽ, tung bọt trắng xóa kể lại câu chuyện tình yêu không bao giờ kết thúc, hòa mình với thiên nhiên, xóa sạch những ưu phiền trong tâm để sau đó lại tiếp tục với cuộc sống thường nhật.

Thác Nậm Lúc (huyện Sìn Hồ) chỉ mới được biết đến hơn 2 năm trở lại đây nhưng đã trở thành một địa điểm không thể thiếu khi du khách đến Lai Châu. Thác Nậm Lúc cách trung tâm huyện Sìn Hồ khoảng hơn 40km, nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh, mang vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ.

Thác Nậm Lúc nằm giữa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Thác Nậm Lúc được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh xanh tốt với nhiều thảm thực vật phong phú, đa dạng tạo nên bức tranh thiên nhiên say đắm lòng người. Nổi bật giữa núi rừng là khi nhìn từ trên cao, thác Nậm Lúc đổ xuống trắng xóa. Với độ dài dòng thác gần 1.000m, thác Nậm Lúc được chia thành nhiều tầng cao thấp khác nhau, trong đó, du khách đánh giá tầng thác đẹp là tầng thác trên cùng. Để đến được thác Nậm Lúc, du khách có thể đi dọc theo con suối đến cuối nguồn dẫn lên. Với những người yêu thích leo núi, mạo hiểm thì có thể leo núi đi bộ băng qua cánh rừng nguyên sinh, men theo những vách núi để đến thác nước…

Quần thể hang động huyền bí và đầy lôi cuốn

Động Pu Sam Cáp với những khối nhũ đá tuyệt đẹp.

Huyền bí Pu Sam Cáp: Quần thể hang động Pu Sam Cáp nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 5km (trên đường đi huyện Sìn Hồ) với hơn 10 hang lớn nhỏ trong đó có 3 hang động lớn, nổi bật là: Động Thiên Môn, Động Thiên Đường và Động Thủy Tinh. Đường lên động gập ghềnh, khúc khuỷu như thách thức và gợi trí tò mò khám phá của du khách. Xung quanh hang động là những cây cổ thụ và quần thể sinh thái đa dạng, phong phú, đầy lôi cuốn. Phía trong hang động, nổi bật là những cột thạch nhũ mọc lên trên nền hang động trập trùng thấp, cao. Càng đi sâu vào trong, ta như bắt gặp một không gian đa sắc, đa chiều, những giàn nhũ đá rủ xuống như tái hiện lại cuộc sống hàng ngày của con người như giàn hoa, vườn rau… Lộng lẫy bốn bề là những cột tháp nhũ trắng trong như những cột thủy tinh sừng sững quanh hồ nước. Và còn bao hình thù kỳ bí khác đưa du khách vào thế giới của sự tưởng tượng phong phú…

Sự huyền hoặc phía trong động Tiên Sơn.

Động Tiên Sơn - Nơi thỏa sức tưởng tượng từ những hình khối trong hang động. Động Tiên Sơn còn được gọi với cái tên là động Đán Đón, Pờ Ngài Tủng hay động Đá Trắng do bà con dân tộc Lự sinh sống gần đó đặt từ xa xưa. Sở dĩ động có tên như vậy là bởi khi người  dân đi qua đây thì phát hiện ra phía trước cửa động có một vách đá màu trắng vô cùng đặc biệt. Sở dĩ mà nhiều người vẫn gọi nơi đây là “chốn bồng lai tiên cảnh” là vì cảnh sắc nơi đây có sự hài hòa giữa núi non, sông suối, chim muông,... tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp nao lòng.

Động Tiên Sơn có 36 động nhỏ nối tiếp với nhau chạy dài giữa 2 sườn núi. Mỗi cung động lại có những hình khối, hình tượng khác nhau như: Núi gạo, núi muối, núi vàng, động cầu con cầu của, hình tượng Bác Hồ được thiên tạo tạc trên vách núi… và người dân quanh vùng đặt theo tên của nhiều nhân vật linh thiêng như Mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân, Bà Chúa Kho... Khi ghé tới mỗi cung bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp riêng với vô vàn điều kỳ thú. 

Nhũ đá trong động Rừng Trúc.

Động Rừng Trúc (huyện Tam Đường) – Động Sơn Đoòng của Tây Bắc: Mới chỉ được khám phá vào đầu hè năm nay, từ Trung tâm xã Nùng Nàng (cách thành phố Lai Châu 3km) di chuyển lên bản Chin Chu Chải (khoảng 5km) chúng ta sẽ tới Động Rừng Trúc. Động Rừng Trúc được ví như động Sơn Đoòng của núi rừng Tây bắc. Động còn giữ nguyên được vẻ nguyên sơ, hùng vĩ và những cột nhũ đá đẹp đến ngẩn ngơ. Du khách sẽ vô cùng thỏa mãn khi tới trải nghiệm, khám phá động Rừng Trúc.

Nguyễn Chanh

0 bình luận

Viết bình luận của bạn