LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH 8 TỈNH TÂY BẮC MỞ RỘNG: GIÀU TIỀM NĂNG NHƯNG CÒN NGHÈO SẢN PHẨM

Được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với khám phá cảnh quan thiên nhiên hung vĩ. Nhưng hiện nay, việc phát huy lợi thế của khu vực này vẫn chưa đem lại hiệu quả. Các sản phẩm du lịch của các tỉnh được đánh giá là tương đối giống nhau, trong khi việc tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo mang bản sắc riêng của mỗi tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Những tiềm năng du lịch chỉ có ở Tây Bắc

Nhắc đến Tây Bắc là có thể nghĩ ngay đến những con đường uốn lượn lưng chừng mây, núi cao hiểm trở, những mùa hoa ban nở trắng núi rừng, những bà mẹ người dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao… địu con làm nương rẫy, những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài vút tầm mắt. Dọc theo tuyến Quốc lộ 6, con đường huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Bắc kéo dài từ Hà Nội đến Lai Châu, đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Sau đó, từ Lai Châu, du khách tiếp tục di chuyển đến Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ và về đến Hà Nội khép lại một vòng cung đi qua toàn bộ khu vực Tây Bắc của tổ quốc. Dù các tỉnh đều nằm trong khu vực nhưng với mỗi tỉnh đều có nét đặc trưng về văn hóa cộng đồng, văn hóa truyền thống, đa dạng sinh thái riêng của từng tỉnh.

 Nói đến Hòa Bình là người ta nói đến một vùng đất mang đậm bản sắc của dân tộc Mường; Sơn La lại có thế mạnh của vùng đất gắn liền với sự phát triển và sinh sống của đồng bào dân tộc Thái; nói đến những chiến thắng lịch sử vang dội thế giới của quân đội và nhân dân Việt Nam không thể không nói đến mảnh đất Điện Biên Phủ; Lai Châu được biết đến là một vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc mà chỉ riêng vùng đất này mới có như Người Lào, Người Lự…. Quả là thiếu sót nếu như không nhắc đến Lào Cai với khu du lịch trọng điểm Quốc gia Sa Pa, chợ phiên Bắc Hà; Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Yên Bái với danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, miền đất tổ Phú Thọ nơi tọa lạc của Di tích lịch sử Đền Hùng. Tất cả những điều đó và còn hơn thế nữa đã tạo nên một miền đất Tây Bắc thật gần gũi, thân thiện với lòng hiếu khách của đồng bào các dân tộc, thật rộng lớn với những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc mà du khách khó có thể khám phá hết, thật hùng vĩ với phong cảnh núi non trùng trùng, điệp điệp cao vút tầm mây.

Sản phẩm du lịch còn nghèo và nhiều trùng lặp

Ý thức rõ được lợi thế thiên nhiên ban tặng, và sự cần thiết của việc liên kết để phát triển chung của riêng từng tỉnh và toàn vùng, từ hai năm trở lại đây, tám tỉnh thuộc Tây Bắc mở rộng (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ) đã cùng bắt tay liên kết để tạo ra một điểm nhấn mang tính chiến lược phát triển du lịch chung của Tây Bắc. Cụ thể hóa điều đó là dự án Cung đường Tây Bắc được triển khai với sự tham gia nhiệt tình của các tỉnh để liên kết có hệ thống, khai thác triệt để các thế mạnh của các tour, tuyến, điểm giữa các tỉnh với nhau tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sau hơn một năm dự án được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng việc liên kết vẫn chưa đạt được hiệu quả so với những tiềm năng sẵn có, cũng như các tỉnh vẫn chưa thực sự khai thác đúng trọng tâm, thế mạnh riêng của từng tỉnh để cuốn hút du khách. Các sản phẩm du lịch tương đối giống nhau. Theo ông Dương Xuân Tráng, giám đốc công ty lữ hành MPVtours, là công ty đã khai thác khụ vực này gần 15 năm cho rằng, so với nhiều năm trước thì sản phẩm du lịch của các tỉnh đều chưa có gì mới lạ hấp dẫn. Các homestay được xây dựng mới phục vụ du khách nhiều khi lại không mang lối kiến trúc truyền thống của các dân tộc, trong khi nhu cầu của du khách là được tìm hiểu truyền thống, bản sắc văn hóa riêng của nơi họ đến. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La) đều đã bị ảnh hưởng rất lớn của thương mại hóa. Hiện nay du khách đến với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc thì đều có chương trình tương đối giống nhau là ngủ những homestay mang phong cách giống nhau, chương trình tham quan thì tỉnh nào cũng có ngắm cảnh đẹp thiên nhiên hung vĩ là đặc trưng của toàn khu vực. Chính vì điều này, đã làm cho du khách thấy lặp lại dẫn đến dễ nhàm chán, mất đi sự hấp dẫn riêng của các tỉnh.

Theo ông Đoàn Văn Chì, phó giám đốc sở VHTTDL Điện Biên cho biết, việc liên kết giữa các tỉnh là điều hết sức cần thiết. Qua đó, các tỉnh sẽ có điều kiện để xây dựng các tuyến, điểm liên kết liên tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng riêng của từng tỉnh lại chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức để tạo điểm nhấn riêng, thu hút sự tò mò, hiếu kì của du khách, mà phát triển chương trình tour, tuyến theo lối tự phát và có quá nhiều sự trùng lặp nhất là khi du khách đi hết chương trình.

Thành Công

 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn