Một số chỉ tiêu cơ bản sau 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch du lịch

Quy hoạch tổng thể du lịch Lai Châu đến năm 2020 (QHTTDLLC) được UBND tỉnh phê duyệt nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2020 và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Lai Châu.

Nhiệm vụ của Quy hoạch là xây dựng hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển ngành du lịch một cách toàn diện; Đưa ra các chỉ tiêu dự báo cụ thể, các định hướng và giải pháp phát triển du lịch làm cơ sở để lập các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn, các quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2020 đảm bảo cân đối cung - cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch.

Kết thúc giai đoạn đầu (2006-2010) triển khai thực hiện QHTTDLLC, du lịch Lai Châu đã có những bước phát triển nhanh và tương đối ổn định. Lượng khách du lịch đến Lai Châu đã vượt hơn con số dự báo. Nếu như năm 2005, tổng lượng khách chỉ đạt 38.233 lượt, trong đó khách quốc tế 3.695 lượt, thì đến năm 2010 đã đạt 90.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 11.500 lượt. Tổng lượng khách năm 2010 tăng gấp 2,35 lần, riêng khách quốc tế tăng gấp hơn gấp 3 lần so với năm 2005.

Tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân cho cả giai đoạn 2006 – 2010 là 18.68%/năm, tăng hơn giai đoạn trước đó 3,6% (giai đoạn 2001 – 2005 bằng 15,07%). Trong đó đáng chú ý nhất là lượng khách quốc tế đến Lai Châu có tốc độ tăng bình quân khá cao đạt 25,5%/năm, nâng tỷ lệ khách quốc tế trong tổng số khách từ 9,66% năm 2005 lên 12,78% năm 2010.

So sánh với chỉ tiêu về lượt khách Quy hoạch đặt ra năm 2010 là 75 ngàn với khách nội địa và 7 ngàn lượt khách quốc tế, thì khách nội địa năm 2010 tăng hơn 3,5 ngàn lượt bằng 104,7% chỉ tiêu Quy hoạch, khách quốc tế tăng 4,5 ngàn lượt bằng 164% chỉ tiêu Quy hoạch dự báo.

Khách du lịch đến Lai Châu có sự thay đổi theo mùa nhưng nhìn chung tương đối ổn định. Khách du lịch đến Lai Châu bằng đường bộ, xuất phát từ các thị trường lớn là Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố HCM và các tỉnh lân cận Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, khách quốc tế qua cửa khẩu Ma Lù Thàng còn rất hạn chế. Mục đích chủ yếu của khách du lịch đến Lai Châu là tham quan cảnh đẹp, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, tham quan di tích lịch sử - văn hóa.

Lượng khách gia tăng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục du lịch bao gồm các cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, các tiện nghi vui chơi giải trí, thể thao... được các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trú trọng đầu tư. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 50 Cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với tổng số 650 phòng, trong đó có 12 cơ sở được xếp hạng từ đạt chuẩn tối thiểu đến 2 sao. Dịch vụ vận chuyển khách là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp, nhờ đó mà chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng lên. Kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư, đường giao thông, điện, nước thông tin liên lạc ở khu vực thị xã, thị trấn huyện lỵ và các điểm du lịch được cải tạo nâng cấp. Các dự án theo quy hoạch đã hoàn thành bao gồm khu vui chơi giải trí, hồ công viên Thị xã Lai Châu điểm du lịch Pu Sam Cáp, điểm du lịch Tiên Sơn và các dự án tôn tạo di tích lịch sử văn hóa khôi phục các lễ hội làng nghề truyền thống ...

Mặc dù là ngành kinh tế còn non trẻ nhưng du lịch đang ngày càng tỏ rõ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung và có ý nghĩa lớn trong đời sống xã hội của địa phương. Qua 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch Tổng thể Du lịch Lai Châu, ngành du lịch đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tổng doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch năm 2010 đạt 76,5 tỷ đồng, tạo thêm nhiều việc làm mới với mức thu nhập ổn định.

Ngoài những lợi ích về mặt kinh tế hoạt động du lịch cũng tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Lai Châu, với những nét đẹp văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với bạn bè quốc tế và trong nước. Đồng thời thông qua đó góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn truyền thống tốt đẹp bảo vệ cảnh quan môi trường của cộng đồng các dân tộc địa phương.

Những kết quả của hoạt động du lịch có được là do có sự quan tâm và đánh giá cao tiềm năng du lịch của các cấp chính quyền trong tỉnh. Do đó, Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Lai Châu được xây dựng và phê duyệt từ rất sớm (ngay sau khi thành lập tỉnh), nhằm xác định những định hướng phát triển đúng đắn và tìm ra giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương, đồng thời đó cũng là nỗ lực rất lớn của ngành du lịch. Những định hướng và giải pháp phù hợp đã tác động trực tiếp tạo nên kết quả của hoạt động du lịch địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch cũng bộc lộ những hạn chế. Trong đó, nổi lên là hạn chế về công tác triển khai cụ thể hóa sau khi Quy hoạch được phê duyệt. Các chỉ tiêu về thu hút đầu tư vào du lịch, doanh thu du lịch, GDP du lịch và tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP của tỉnh đều không đạt được so với dự báo, do còn thiếu những chương trình kế hoạch chi tiết, những chủ trương chính sách để triển khai cụ thể hóa. Sản phẩm du lịch địa phương còn rất nghèo nàn, chưa có gì đặc biệt để hấp dẫn du khách, sản phẩm du lịch vừa hạn chế về số lượng vừa kém về chất lượng ảnh hưởng lớn đến thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách, làm hạn chế sự gia tăng về doanh thu du lịch.

Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về khách quốc tế trong những năm qua, nhưng khách nội địa vẫn chiếm tỷ lệ cao (chiếm 87%) trong cơ cấu khách du lịch đến Lai Châu với mục đích công vụ, tham quan, lễ hội, nghiên cứu ..., nên khả năng chi trả không cao. Khách quốc tế có khả năng chi trả cao với số lượng còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ tiêu về doanh thu du lịch không đạt mục tiêu 4.700 ngàn USD như Quy hoạch đề ra.

Trong giai đoạn tiếp theo (2011-2015) để khắc phục những hạn chế, hoạt động du lịch cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn, trong đó cần có những chương trình, kế hoạch, những đề án, giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn, mà mấu chốt là tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường hợp tác liên kết vùng và khu vực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp./.

Nguyễn Văn Diện

PGĐ sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

0 bình luận

Viết bình luận của bạn