Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội: Sẵn sàng khai hội

Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội: Sẵn sàng khai hội

Mô tả sự kiện

Với chủ đề “Rực rỡ sắc màu Lai Châu”, Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội năm 2020 diễn ra từ ngày 18 - 20/12 là sự kiện đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được UBND tỉnh phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Nhiều hoạt động hấp dẫn tổ chức, tái hiện tại các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội là cơ hội để người dân thành phố, du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng, trải nghiệm, thưởng thức. Hứa hẹn tạo dấu ấn khó phai về hình ảnh Lai Châu - vùng đất biên cương của Tổ quốc giữa lòng thủ đô.


 Những ngày này, không gian Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam sôi động hơn bởi sự có mặt của Đoàn nghệ nhân các dân tộc Lai Châu đang khớp luyện với đạo diễn và các biên đạo nghệ sỹ múa của Nhà hát chuẩn bị cho Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Rực rỡ sắc màu Lai Châu” diễn ra từ 20h15’ - 21h tối ngày 18/12 tại khu công viên Nhà Bát Giác (quận Hoàn Kiếm). Chương trình được giàn dựng theo phong cách dân gian đương đại, vừa lột tả những sắc màu văn hóa tinh túy của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu vừa mang hơi thở cuộc sống của ngày mới với nhiều tiết mục ca - múa - nhạc, hoạt cảnh tái hiện lễ hội, nghi lễ tâm linh trong đời sống các dân tộc thiểu số Lai Châu. Do đó, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm chỉ đạo, thực hiện với quy mô hoành tráng, tổ chức lựa chọn nghệ nhân, diễn viên luyện tập.

Với Chương trình nghệ thuật đặc biệt công phu, nhằm giới thiệu vẹn nguyên những nét văn hóa đặc sắc nhất của Lai Châu tới bạn bè trong nước và quốc tế, vai trò cơ quan thường trực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh cử đoàn nghệ nhân, diễn viên với số lượng 110 người tham gia. Trong đó, 78 nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 dân tộc trong tổng số 20 dân tộc anh em tại Lai Châu. Đó là: dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu, Lự - xã Bản Hon (huyện Tam Đường); Mông - xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); Thái - xã Mường So (huyện Phong Thổ); Hà Nhì - xã Ka Lăng (huyện Mường Tè); Giáy - xã San Thàng (thành phố Lai Châu); còn lại là diễn viên chuyên nghiệp tại Hà Nội. Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh được giao phụ trách tổ chức thực hiện.

Một hoạt động không kém phần sôi động, đa sắc màu đó là Lễ hội đường phố. Các nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 dân tộc của Lai Châu sẽ biểu diễn các điệu múa mô phỏng hoạt động đời sống sinh hoạt thường ngày, làn điệu dân ca truyền thống và tái hiện lễ cưới cũng như hoạt động tâm linh đặc sắc.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Mạ Lý Phạ (dân tộc Hà Nhì, xã Ka Lăng) chia sẻ: Tham gia “Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội”, huyện Mường Tè có duy nhất dân tộc Hà Nhì ở xã Ka Lăng được trưng tập tham gia Chương trình nghệ thuật khai mạc và Lễ hội đường phố. Đây là niềm vinh dự, tự hào để 14 diễn viên, nghệ nhân của xã nỗ lực luyện tập, góp sức cho thành công của sự kiện. Và hơn hết là giới thiệu đến bạn bè gần xa những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hà Nhì như: làn điệu: Sơ A Mì Sơ, Chê Chúi Trê, Khoang Khoang Si Khoang, múa xòe mời rượu; nghi thức ném cơm vàng và tặng trứng trong Lễ hội Gạ Ma Thú… Hy vọng, sau sự kiện đặc biệt này, Ka Lăng nói riêng, Lai Châu nói chung sẽ đón nhiều du khách hơn đến tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Tổ chức “Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội” nhằm kích cầu du lịch, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, khởi đầu cho chuỗi hoạt động là Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội” nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư du lịch Lai Châu; định hướng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lai Châu - Hà Nội. Với số lượng đại biểu tham dự hơn 200 người, trong đó có các đơn vị: Hiệp hội du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp… hứa hẹn bước đột phá mới trong phát triển ngành “du lịch không khói” của Lai Châu.

Trong những ngày diễn ra sự kiện, có rất nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian Lai Châu như tái hiện không gian văn hóa một số dân tộc: Thái, Mông, Lự…; trình diễn văn nghệ dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống; trải nghiệm trò chơi dân gian; thưởng thức ẩm thực của các dân tộc. Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua hơn 20 gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá gần 100 sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản của quê hương Lai Châu.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là hoạt động quy mô cấp tỉnh, lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra: giới thiệu nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc, sản phẩm nông sản, tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị, triển khai. Trong đó, công tác tuyên truyền, quảng bá được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh đa dạng hình thức, truyền thông rộng rãi.

Đồng chí Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị được cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị hoàn thành và sẵn sàng cho tổ chức các sự kiện. Với sự chuẩn bị chu đáo, công phu cùng nhiều hoạt động bên lề chắc chắn “Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội” năm 2020 sẽ thành công tốt đẹp. Không chỉ đạt mục đích đề ra còn tuyên truyền, quảng bá Giải dù lượn đường trường PuTaLeng mở rộng năm 2020 (PuTaLeng XC Open 2020) và hoạt động Kinh khí cầu tại huyện Tam Đường, thành phố Lai Châu từ ngày 24 - 27/12/2020. Xa hơn là Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu lần thứ II tổ chức tháng 3/2021.

Theo laichau.gov.vn/ Tác giả: Hồng Thắm - Ngọc Duy

Thông tin vé


Đơn vị tổ chức


0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản đồ