10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam: Lai Châu chiếm hơn nửa, top 1 là cái tên quen thuộc, được ví như “Nóc nhà Đông Dương”

10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam: Lai Châu chiếm hơn nửa, top 1 là cái tên quen thuộc, được ví như “Nóc nhà Đông Dương”

Có địa hình đồi núi trùng điệp, miền Bắc nước ta nổi tiếng với những cung đường đèo ấn tượng và vô số đỉnh núi cao đến mức choáng ngợp. Đó vừa là biểu tượng, vừa là niềm tự hào của người dân miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Cùng khám phá 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam qua những hình ảnh dưới đây.

Đỉnh núi cao nhất Việt Nam, còn gọi là “Nóc nhà Đông Dương” chính là Fansipan (Lào Cai) với độ cao 3.143m. Nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở vùng Tây Bắc bộ, cách thiên đường du lịch Sapa khoảng 10km, Fansipan là điểm hẹn của rất nhiều nhà leo núi trong và ngoài nước.

Theo tiếng địa phương, núi có tên là Hủa Xin Pan, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Tuy thuộc khối địa hình cao nhất Việt Nam, nhưng Fansipan lại là ngọn núi thuộc top dễ chinh phục, rất phù hợp với những người thích trải nghiệm.

Pusilung (Lai Châu) là đỉnh núi cao thứ 2 ở Việt Nam, được gọi là “nóc nhà của biên giới” với độ cao 3.083m. Đây là một trong những ngọn núi mà chúng ta sẽ phải dành nhiều thời gian để chinh phục do quãng đường đi rất dài, dài nhất trong các ngọn núi thuộc top 10.

Đây là đỉnh núi cao nhất án ngữ nơi biên cương Tổ quốc. Đỉnh Pusilung này nằm ở biên giới Việt – Trung và đường chinh phục có đi qua cột mốc 42, vì vậy, trước khi chinh phục các bạn cần được sự đồng ý của Đồn biên phòng Pa Vệ Sử quản lý biên giới tại nơi đây.

Đứng thứ 3 là đỉnh Putaleng (Lai Châu) có độ cao 3.049m. Tuyến đường chinh phục đỉnh Putaleng thường xuất phát từ xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), và điểm kết thúc nằm ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường), rất dài để chúng ta có thể khám phá.

Hành trình chinh phục đỉnh cao này đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng. Nơi đây có cây cổ thụ, râu xanh phủ kín tảng đá lớn, suối trong vắt róc rách chảy, rừng trúc thâm u,... đem đến đủ mọi cung bậc cảm xúc suốt chặng hành trình.

Bạch Mộc Lương Tử là ngọn núi cao thứ 4 của Việt Nam ở độ cao 3.046m, là ranh giới tự nhiên của Lào Cai và Lai Châu. Tên gọi chính xác là Ky Quan San với điểm xuất từ bản Ky Quan San (Lào Cai). Sau bị nhầm với một ngọn núi khác nên đổi là Bạch Mộc Lương Tử.

Ky Quan San cũng là một địa điểm hot không kém Fansipan. Đây là một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất trên những ngọn núi cao của miền Bắc. Có thể nói “bình minh trên mây cao” đã trở thành thương hiệu của ngọn núi Bạch Mộc này.

Ngọn núi cao thứ 5 của Việt Nam là Phàn Liên San – Khang Su Văn cũng thuộc tỉnh Lai Châu, với độ cao 3.012m. Hành trình chinh phục nằm ở tuyến đường biên giới Việt – Trung và có đi qua cột mốc số 79, cũng là cột mốc cao nhất của Việt Nam (2880m).

Tên gọi đầu tiên của nó là Khang Su Văn, dễ bị nhầm với một con đèo nên sau người dân đổi thành Phàn Liên San, dân phượt còn gọi là U Thái San. Cung đường chinh phục đi qua khu rừng nguyên sinh với với những thân cây khổng lồ được rêu phủ kín.Thêm một đại diện của Lai Châu lọt vào top 10, đó là núi Tả Liên Sơn với độ cao 2.996m, đứng thứ 6. Ngọn núi này có tên gọi khác là Cổ Trâu vì từ bản nhìn lên, đỉnh núi cao vời vợi như sống lưng của loài trâu mộng sống trong khu rừng nguyên sinh dưới chân núi.

Địa điểm này không đơn giản chỉ là khung cảnh núi non hùng vĩ mà còn thu hút bởi khu rừng Tả Liên với thảm thực vật nguyên sinh đa dạng. Từ trên cao, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Lai Châu nhỏ bé giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ và mây trắng bồng bềnh.

Đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái) là ngọn núi cao thứ 7 của Việt Nam ở độ cao 2.979m. Ngọn núi này được biết đến là một trong những địa điểm săn mây lý tưởng, nhiều người còn ưu ái đặt cho đỉnh Tà Chì Nhù cái tên “Thiên đường mây nơi hạ giới”.

Vào thời điểm chưa phải mùa săn mây thì ngọn núi này còn được mệnh danh là “Vương quốc nắng và gió”, bởi địa hình chủ yếu là đồi trọc nên hầu như không có điểm tránh nắng. Ngọn núi này có tên chính xác là Phú Lương, nhưng cái tên Tà Chì Nhù đã quá phổ biến.

Đứng thứ 8 lại là một ngọn núi ở tỉnh Lai Châu, Pờ Ma Lung, độ cao 2.967m. Đỉnh Pờ Ma Lung là một trong những ngọn núi mới được khám phá cách đây chưa lâu, góp mặt trong top 10 và là một trong những đỉnh núi có tuyến đường chinh phục nằm ở đường biên giới Việt – Trung.

Pờ Ma Lung còn có tên gọi khác là Bạch Long, do gắn liền với truyền thuyết về một con Rồng đã lặn xuống một hồ nước sâu tại đây và biến mất. Thêm một cái tên khác, đặc biệt hơn từ đoàn chinh phục đầu tiên của ngọn núi, đó là Bức Tường - một cái tên đầy ý nghĩa.

Nhìu Cồ San (Lào Cai) là ngọn núi cao thứ 9 của Việt Nam với độ cao 2965m. Đỉnh cao này là một trong những địa điểm còn hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh và thảm thực vật phong phú. Từ cao nhìn xuống có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ phong cảnh núi non hùng vĩ.

Nhìu Cồ San là nơi khởi đầu của con đường đá cổ xuyên rừng phong dài tới 80km và điểm kết thúc là ở Sàng Ma Pho (Phong Thổ, Lai Châu). Con đường đá cổ này mang tên Pavi, được người Pháp cho xây dựng từ năm 1927, khi chưa có tuyến đường đèo Ô Quy Hồ.

Cuối cùng là ngọn núi Chung Nhía Vũ (Lai Châu) với độ cao 2.918m. Đỉnh Chung Nhía Vũ là ranh giới tự nhiên trên đường biên Việt - Trung, nằm gần các mốc giới 83, 84; chân núi gần mốc 85. Theo nhiều dân phượt, ngọn núi này sở hữu địa hình đa dạng nhất trong top 10.

Chinh phục đỉnh Chung Nhía Vũ là chinh phục cung đường tuyệt đẹp với đa dạng địa hình. Đường đi Chung Nhía Vũ chủ yếu men theo suối, những cánh rừng nguyên sinh gần như nguyên vẹn. Ngọn núi khá xa dân cư và lại là rào chắn tự nhiên nên đẹp một cách hoang sơ.

Theo Thảo Anh
Nguồn: Tri thức & cuộc sống

 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn