BẢO TÀNG LAI CHÂU GẮN CÔNG TÁC BẢO TỒN, BẢO TÀNG VỚI  PHÁT TRIỂN DU LỊCH

BẢO TÀNG LAI CHÂU GẮN CÔNG TÁC BẢO TỒN, BẢO TÀNG VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Bảo tàng đã trở thành nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hóa của công chúng. Bảo tàng Lai Châu đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, trực tiếp góp phần phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Bảo tàng tỉnh Lai Châu là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Bảo tàng Lai Châu được thành lập năm 2004, với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê, bảo quản, trưng bày giới thiệu tài liệu, hiện vật, hoạt động giáo dục, truyền thông và dịch vụ, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Qua 20 năm sưu tầm kiểm kê và bảo quản hiện vật cho đến nay Bảo tàng Lai Châu có 34.909 đơn vị hiện vật đang trưng bày và lưu giữ. Các hiện vật gốc đã đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và hồ sơ pháp lý, được bảo quản định kỳ theo tháng, quý, năm để chống mối mọt, côn trùng, thực hiện bảo quản phòng ngừa cho hiện vật.

Thực hiện Đề án “ Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, bảo tàng Lai Châu đã chú trọng trưng bày, giáo dục truyền thông; thường xuyên chỉnh lý, làm mới các phần trưng bày, thực hiện nhiều chuyên đề và phim tư liệu về lễ hội, nghề thủ công truyền thống dân tộc để giới thiệu trình chiếu phục vụ khách tham quan, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng.

Khách tham quan tại phòng trưng bày của bảo tàng

Học viên lớp sơ cấp chính trị thanh phố Lai Châu tham quan, học tập tại bảo tàng

Bảo tàng thường xuyên tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề gắn với các sự kiện văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc. “ Tết cổ truyền dân tộc Thái gắn với lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi và nghề thủ công truyền thống”, Lễ hội Tú tỷ dân tộc Giáy gắn với nghệ thuật trình diễn, trò chơi dân gian và nghề thủ công truyền thống”, “ Tết cơm mới dân tộc Lự gắn với lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi và nghề thủ công truyền thống”, “ Tết năm mới dân tộc Hà Nhì gắn với lễ hội, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi và nghề thủ công truyền thống”  phục vụ du khách nhất là học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống... Từ đó, tạo dấu ấn một điểm tham du lịch về nguồn, phát huy tác dụng giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, du khách góp phần bảo tồn đa dạng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Du khách tham gia trải nghiệm nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông do bảo tàng trưng bày

 Trình diễn, tái hiện nghề dệt vải thủ công truyền thống dân tộc Lự thu hút nhiều khách tham quan, trải nghiệm

Du khách quốc tế  tham quan không gian trưng bày văn hóa các dân tộc Lai Châu

Có thể thấy các hoạt động của Bảo tàng Lai Châu đang góp phần bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, làm cho Lai Châu không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ mà còn là miền đất giàu có về giá trị văn hóa tinh thần, níu chân du khách.

Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả gắn kết hoạt động của bảo tàng với phát triển du lịch, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn và bảo tàng, cần sự gắn kết các hoạt động bảo tàng với các doanh nghiệp du lịch trên cơ sở thực hiện trách nhiệm và quyền lợi của bảo tàng và doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch của tỉnh./.

Ngọc Huyền

0 bình luận

Viết bình luận của bạn