Giới thiệu chung về tỉnh Lai Châu

Giới thiệu chung về tỉnh Lai Châu

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội 385 km về phía Đông Nam. Tỉnh Lai Châu được thành lập theo nghị định ngày 28 tháng 6 năm 1909 của toàn quyền Đông Dương. Tỉnh Lai Châu gồm 1 thành phố và 7 huyện gồm: Thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tân Uyên, huyện Sìn Hồ, huyện Mường Tè, huyện Nậm Nhùn, huyện Than Uyên, huyện Tam Đường

1. Vị trí địa lý

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội 385 km về phía Đông Nam, có tọa độ địa lý từ 21°41’ đến 22°50’ vĩ độ Bắc và từ 102°19’ đến 103°59’ kinh độ Đông; phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Điện Biên và Sơn La.

Lai Châu có 265,165 km đường biên giới (theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc) với cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà và nhiều đường mòn qua lại trên tuyến biên giới Việt – Trung, trực tiếp giao lưu với các lục địa rộng lớn phía tây nam Trung Quốc; được gắn liền với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thủy sông Đà.

Do đó, Lai Châu có tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch; đồng thời, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, Lai Châu còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng.

2. Khí hậu, địa hình

Lai Châu có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới với ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão. Khí hậu trong năm chia làm hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. 

Là vùng lãnh thổ với nhiều dãy núi và cao nguyên, phía Đông khu vực này là dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Tây là dãy núi Sông Mã có độ cao 1.800m. Giữa hai dãy núi đồ sộ trên là phần đất thuộc vùng núi thấp tương đối rộng lớn và lưu vực sông Đà với nhiều cao nguyên đá vôi, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, xen kẽ là các thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng như: Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên…

3. Diện tích, dân số

Trước khi tách tỉnh, Lai Châu có diện tích lớn nhất miền Bắc Việt Nam, thứ hai cả nước với 18.619,22 km². Hiện nay, diện tích tự nhiên của tỉnh là 9.068.78 km², đứng thứ 10 trong 63 tỉnh, thành cả nước.

Dân số trung bình tính đến 31/12/2020 là 473.333 người; mật độ dân số 51,8 người/km². Trong đó có 289.091 người đang trong độ tuổi lao động, chiếm 61,5%. Số lao động qua đào tạo chiếm 50,7% so với tổng số người lao động của tỉnh.

Lai Châu hiện là nơi cư trú của 20 dân tộc anh em. Ngày nay, tỉnh đang ngày càng đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, đi đôi với công tác giáo dục và tuyên truyền, chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.

4. Đơn vị hành chính

Hiện nay, Lai Châu có 08 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; 106 đơn vị hành chính cấp xã (94 xã, 05 phường và 07 thị trấn).

5. Kinh tế - xã hội

Những năm qua, tỉnh Lai Châu gặp không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương cho phát triển còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn, sát thực tế cùng sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành, sự quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nền kinh tế Lai Châu không ngừng tăng trưởng toàn diện, các vấn đề xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 11,55%/năm, riêng năm 2020 đạt 4,05%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 2.327 tỷ đồng, tăng 1,26 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 43,34 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,59%/năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt 220.000 tấn. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên. Trong đó có 40,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.206 tỷ đồng. 100% xã có mặt đường ôtô đến trung tâm xã được cứng hóa; trên 93,7% thôn, bản có đường xe máy, ôtô đi lại thuận lợi; 95,1% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 85,2% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là ngành công nghiệp thủy điện đóng góp phần lớn vào thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành trong 5 năm đạt trên 18.080 tỷ đồng, bình quân tăng 35,3%/năm; riêng năm 2020 đạt trên 3.983 tỷ đồng.

Ngành dịch vụ tiếp tục được duy trì phát triển, đặc biệt là dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc. Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành đến năm 2020 đạt trên 4.282 tỷ đồng, chiếm 36% giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động dịch vụ du lịch tăng trưởng khá, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Giai đoạn 2016 - 2020, thu hút được 03 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm du lịch được công nhận. Tổng lượt khách, tổng doanh thu tăng khá, giai đoạn 2016 - 2020 thu hút trên 1,4 triệu lượt người, tăng bình quân 10%/năm, tổng doanh thu đạt trên 1.933 tỷ đồng, bình quân tăng 13,4%/năm.

Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm học sau đều tăng so với năm học trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đều đạt trên 95%, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 167 trường đạt chuẩn, chiếm 49,4% tổng số trường học, tăng 76 trường so với năm 2015.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng, triển khai thực hiện các dự án xây dựng bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số huyện. Tổ chức khám bệnh cho trên một triệu lượt bệnh nhân. Đến hết 2020, toàn tỉnh có 566 bác sỹ, đạt 12,1 bác sỹ/vạn dân, tăng 3,9 bác sỹ/vạn dân; 89 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, vượt kế hoạch 13 xã, tăng 36 xã so với năm 2015; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,8%.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể - phi vật thể được quan tâm, chú trọng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, du khách tham gia. Đến hết 2020, có 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 78,5% thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 96% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 4,78%/năm, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 16,33%; có 02 huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020. Công tác giải quyết việc làm được triển khai tích cực, ước bình quân giải quyết việc làm cho trên 7.102 lao động/năm.

Những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực nói trên của tỉnh Lai Châu thời gian qua sẽ tạo ra nền tảng vững chắc và cơ sở thực tiễn cho tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển toàn diện, nhanh chóng và bền vững.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn