Thông tin chung về thành phố Lai Châu

Thông tin chung về thành phố Lai Châu

Thành phố Lai Châu trung tâm văn hóa - chính trị của tỉnh Lai Châu, được thành lập ngày 10 tháng 10 năm 2004 theo Nghị định số 176/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

1. Vị trí địa lý

Thành phố Lai Châu có tọa độ địa lý từ 20°20’ đến 20°27’ vĩ độ Bắc và từ 103°20’ đến 103°32’ kinh độ Đông; phía Bắc giáp với huyện Phong Thổ và huyện Tam Đường, phía Đông và Nam giáp huyện Tam Đường, phía Tây giáp huyện Sìn Hồ. Thành phố Lai Châu nằm trên trục đường giao thông chính là quốc lộ 4D, nối vùng Tây Bắc với trung tâm phát triển kinh tế của cả nước, là vành đai của tuyến du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và cửa khẩu quốc gia, cách thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khoảng 70km, cách Hà Nội khoảng 380km (qua thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai).

2. Địa hình

Thành phố Lai Châu nằm trong một thung lũng chạy dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam, giữa 2 dãy núi lớn Hoàng Liên Sơn (phía Đông) và Pusamcap (phía Tây) dọc theo quốc lộ 4D. Địa hình tương đối bằng phẳng, với độ dốc trung bình 5-10%. Phía Tây và Tây Nam là các dãy núi cao, phía Bắc và Đông Bắc có xen kẹp địa hình bát úp với cao độ trung bình 940m. Phía Nam là cánh đồng lúa và đồi chè của Nông trường Tam Đường cũ. Đây là thành phố có độ cao lớn nhất miền Bắc và thứ hai Việt Nam (sau thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Trong khu vực thành phố Lai Châu và vùng lân cận có nhiều ngọn núi cao từ 1.500m đến trên 3.000m, tiêu biểu là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.045m ở phía Bắc và Pu Ta Leng (hay Phu Ta Leng) - đỉnh núi cao thứ hai tại Việt Nam với độ cao 3.096m.

3. Đơn vị hành chính

Thành phố Lai Châu có 7 đơn vị hành chính gồm 5 phường và 2 xã: phường Đoàn Kết, Quyết Thắng, Tân Phong, Quyết Tiến, Đông Phong, xã Sùng Phài, xã San Thàng, với tổng diện tích tự nhiên 92,37km2.

4. Diện tích, dân số

Thành phố Lai Châu có tổng diện tích tự nhiên là 70,78 km2. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở tính đến hết ngày 1/4/2019 cho thấy, thành phố Lai Châu có 41.898 người, là địa phương có mật độ dân số cao nhất (590 người/km2, tăng so với năm 2009 là 211 người/km2).

5. Kinh tế - xã hội

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu đã giành được nhiều thành tựu đáng tự hào. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm, nghiệp. Thu ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt cao. Trong sản xuất nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa như: lúa, chè, mắc ca, hoa, rau màu, thủy sản; nhiều mô hình kinh tế trang trại V-A-C quy mô hộ gia đình, nhóm hộ được xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả; một số nông sản hàng hóa đã có thương hiệu và đứng vững trên thị trường nhất là các sản phẩm như chè, gạo tẻ râu, rượu... Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh, nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ, điểm du lịch được đầu tư khang trang, ngày càng đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, đi lại, tiêu dùng, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần đưa thành phố Lai Châu đứng vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh và là điểm đến của du khách gần xa.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, nhà ở dân cư và các thiết chế văn hóa. Đến nay, hầu hết các tuyến đường nội thị lắp đèn chiếu sáng, trồng cây xanh, thảm cỏ; đường giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, nước sạch...cơ bản đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Công tác quản lý kiến trúc, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị đi vào nề nếp, nếp sống văn minh đô thị ngày càng được nâng cao.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển khá, thành phố Lai Châu là đơn vị đứng đầu trong toàn tỉnh về chất lượng giáo dục và đào tạo. Các trạm y tế xã, phường được đầu tư cơ bản; đội ngũ y bác sỹ được tăng cường và ngày càng nâng cao về chất lượng. Các hoạt động thông tin, truyền thanh - truyền hình, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển nhanh; truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn được quan tâm bảo tồn và phát huy. An sinh xã hội, đảm bảo chính sách người có công, công tác nhân đạo từ thiện luôn được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Ghi nhận những thành tích đạt được, nhiều năm qua, thành phố Lai Châu luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương, tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2019, thành phố Lai Châu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn