Tam Đường là một huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu.
1. Vị trí địa lý
Huyện Tam Đường là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, tọa độ địa lý từ 22°10’ đến 22°30’ vĩ độ Bắc, từ 103°18’ đến 103°46’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Phong Thổ và huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Phía Tây giáp huyện Sìn Hồ và thành phố Lai Châu. Phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Phía Nam giáp huyện Sìn Hồ và huyện Tân Uyên, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 30km theo quốc lộ 4D.
2. Địa hình
Tam Đường có địa hình phức tạp, chia cắt bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Đông Bắc là dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài hơn 80km, phía Đông là dãy núi Pusamcap dài hơn 60km. Xen giữa các dãy núi cao là các thung lũng như: Thung lũng Tam Đường - Bản Giang có diện tích trên 3.500ha; thung lũng Tam Đường - Thèn Sin có diện tích trên 500ha; thung lũng Bình Lư - Nà Tằm - Bản Bo có diện tích trên 1.800ha. Các thung lũng có độ cao từ 600-800m.
3. Khí hậu
Tam Đường nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, chiếm 75 - 80% tổng lượng mưa trong năm; tổng lượng mưa bình quân hằng năm từ 1.800 - 2.000mm/năm, cao nhất 2.500mm/năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; trong mùa này thường xuất hiện sương mù (bình quân 13 ngày/năm), sương muối (bình quân 1 - 2 ngày/năm). Nhiệt độ trung bình từ 22-26°C, biên độ nhiệt độ dao động khá lớn: nhiệt độ cao nhất 35°C, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 0°C. Số giờ nắng từ 2.100 - 2.300 giờ/năm. Độ ẩm không khí trung bình 83%.
4. Đơn vị hành chính
Huyện Tam Đường có 13 đơn vị hành chính gồm thị trấn Tam Đường và 12 xã: Bản Bo, Bản Giang, Bản Hon, Bình Lư, Giang Ma, Hồ Thầu, Khun Há, Nà Tăm, Nùng Nàng, Sơn Bình, Tả Lèng, Thèn Sin.
5. Diện tích, dân cư
Huyện Tam Đường có diện tích tự nhiên là 684,52 km2. Theo số liệu thống kê năm 2019, huyện Tam Đường có dân số 57.312 người, mật độ dân số là 83,73 người/km², với 12 dân tộc cùng sinh sống gồm: dân tộc Mông, Thái, Kinh, Dao, Giáy, Lào, Lự, Hoa, Kháng và một số dân tộc khác.
6. Kinh tế - xã hội
Để tăng thu nhập cho người dân, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế; tập trung chăm sóc trên 1,5 nghìn ha chè; tiếp tục mở rộng diện tích chè mới. Năm 2019, huyện đã trồng mới được 158,6 ha chè (vượt 17,5% kế hoạch đề ra), nâng tổng diện tích chè hiện có của huyện lên trên 1.582 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 7.200 tấn, (vượt 7,6% kế hoạch và tăng 1.250 tấn so với năm 2018). Diện tích ngô, mía, rong riềng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; người dân trên địa bàn huyện tăng cường chăm sóc diện tích cây ăn quả hiện có và trồng thêm một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mắc ca, cây dược liệu...
Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được đặc biệt chú trọng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,08 tiêu chí/xã. Phong trào điện chiếu sáng nông thôn, nông thôn xanh - sạch - đẹp tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả thiết thực và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 122 bản có điện đường chiếu sáng với 141,26 km đường dây, 2.724 cột, 3.338 bóng điện chiếu sáng và 133 bản đạt bản xanh - sạch - đẹp.
Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, huyện; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Năm 2019, huyện có 22/44 trường chuẩn quốc gia, đạt 50% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được triển khai có hiệu quả, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt cao ở tất cả các cấp học, ngành học.
Cùng với đó, công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nhân dân được phát huy hiệu quả. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; các chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công được quan tâm thực hiện. Công tác quân sự, quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được sắp xếp, củng cố và kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ. Công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung thực hiện.
Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện tiếp tục chỉ đạo chỉnh trang, hoàn thiện các điểm du lịch đã hình thành, đầu tư xây dựng mới các điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế rõ nét; quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ tại chỗ như tổ chức các lớp dạy nghề du lịch, liên kết đào tạo nghiệp vụ du lịch ngắn hạn; từng bước hoàn thiện các dịch vụ phục vụ du khách. Tổng lượt khách du lịch trong năm 2019 đạt khoảng 135.000 lượt khách (tăng 63% so với kế hoạch, tăng 55.142 lượt khách so với năm 2018); tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 50,5 tỷ đồng (tăng 59% so với kế hoạch, tăng 26,2 tỷ đồng so với năm 2018).
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian qua, huyện Tam Đường đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành; phát huy vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị; đồng thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; triển khai kịp thời và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển du lịch, nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp để triển khai một số cây trồng có giá trị kinh tế cao; tích cực phát triển văn hoá, xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội… để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
0 bình luận