Lai Châu đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo trong hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam

Lai Châu đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo trong hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam

Lai Châu là địa phương sở hữu thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng văn hoá bản địa đặc sắc của 20 dân tộc cùng sinh sống; con người thật thà, thân thiện, mến khách. Xác định rõ những thế mạnh đã và đang sở hữu, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, đến nay Lai Châu đã có 12 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh và 1 điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu ASEAN (bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ); Ngoài ra, Lai Châu còn sở hữu hệ thống các làng, bản có tiềm năng trở thành điểm du lịch cộng đồng nằm tập trung tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Than Uyên và từng bước mở rộng đến huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn.

Sì Thâu Chải là một bản nhỏ nằm ở bình yên ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, thuộc địa phận xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Để đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo trong hệ thống sản phẩm du lịch địa phương nhưng vẫn đảm bảo tính khác biệt, tạo điểm nhấn thu hút khách trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” và từng bước định vị thương hiệu du lịch cộng đồng Lai Châu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ngày 09/12/2024 UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 5022/KH-UBND về triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2030 (Kế hoạch này được ban hành trên cơ sở Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam)

Bản Thẳm Phé nằm trên địa bàn xã Mường Kim, huyện Than Uyên là một trong những điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế “hứa hẹn” sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Lai Châu trong thời gan tới

Theo đó, Kế hoạch đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 trên 92% điểm du lịch cộng đồng được công nhận có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% điểm du lịch cộng đồng có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả; 70% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn (trong đó: có ít nhất 50% là lao động nữ); mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 01 nhân viên biết ngoại ngữ; phấn đấu công nhận thêm 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng;10% làng nghề truyền thống; 100% điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận sẽ được giới thiệu, quảng bá; trên 70% điểm du lịch cộng đồng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; trên 30% các điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh được số hoá; xây dựng bản Sin Suối Hồ trở thành mô hình điểm về du lịch cộng đồng để giới thiệu, nhân rộng mô hình này tại tỉnh, khu vực và cả nước. Đồng thời, tại Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 có 02 mô hình du lịch cộng đồng ASEAN; công nhận mới ít nhất 06 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 1359:2020 du lịch cộng đồng – yêu cầu về chất lượng dịch vụ; các điểm du lịch cộng đồng đón và phục vụ trên 30% trong tổng lượt khách đến với Lai Châu.

Bản Du lịch cộng đồng ASEAN – Sin Suối Hồ đang trở thành một trong những điểm đến được nhiều du khách yêu thích lựa chọn tham quan, trải nghiệm và là mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng của Việt Nam

Để đạt được mục tiêu nêu trên, tại Kế hoạch cũng đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong đó cần quan tâm đẩy mạnh bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống gắn với tài nguyên thiên nhiên để phát triển loại hình du lịch cộng đồng; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng thông qua việc triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch dài hạn của Trung ương và địa phương; Quan tâm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; Tăng cường hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng dưới nhiều nội dung và hình thức; Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua tổ chức các lớp tập huấn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự an toàn xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch...

Bản Thẳm là một trong những bản du lịch cộng đồng đặc trưng của Lai Châu nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lự

Việc ban hành Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần đắc lực cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo thêm sản phẩm du lịch du lịch cộng đồng mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tăng giá trị trải nghiệm cho khách du lịch khi đến Lai Châu, từ đó tăng thu nhập nâng cao đời sống của người dân (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số). Với quyết tâm và hướng đi cụ thể, thời gian tới du lịch cộng đồng Lai Châu sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thoa Đồng

0 bình luận

Viết bình luận của bạn