Lên Lai Châu chinh phục đỉnh Răng Cưa

Lên Lai Châu chinh phục đỉnh Răng Cưa

Thuộc địa bàn xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, với độ cao 2.852m so với mực nước biển, núi Răng Cưa thuộc top 15 đỉnh núi cao trong dãy Hoàng Liên Sơn, đang thu hút rất nhiều các bạn trẻ đam mê leo tập trung về đây để chinh phục đỉnh cao này.

Núi Răng Cưa còn có tên là núi Cổ Trâu hay núi Đỗ Quyên vì có nhiều hoa đỗ quyên tuyệt đẹp nở rộ vào mùa xuân. Hành trình để các trekking chinh phục núi Răng Cưa tương đối khó nhưng là trải nghiệm khó quên và đầy thú vị.

Con đường trên hành trình chinh phục đỉnh Răng Cưa.

Là một đỉnh núi mới được đưa vào khai thác du lịch nhưng núi Răng Cưa nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho những phượt thủ đam mê leo núi và khám phá thiên nhiên.

Theo kinh nghiệm từ các trekking, hành trình chinh phục núi Răng Cưa tương đối khó nhưng cũng rất đáng trải nghiệm. Người leo núi cần chuẩn bị kỹ càng về thể lực, một số vật dụng cần thiết để leo núi và đặc biệt là tinh thần để chinh phục được ngọn núi này.

Thời gian thích hợp để chinh phục ngọn núi này vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm. Việc leo núi vào mùa mưa sẽ nguy hiểm hơn vì đường đi trơn trượt, nhất là đối với newbie. Đặc biệt, cảnh vật ở đây trở lên tuyệt đẹp là vào thời điểm cuối xuân, đầu hạ (tháng 3 - 4), khi đó hoa đỗ quyên trên cả cánh rừng nở rộ, tạo ra một khung cảnh lãng mạn, lung linh, thơ mộng trên tuyến hành trình.

 Khách du lịch chinh phục đỉnh Răng Cưa theo hướng từ bản Sin Suối Hồ.

Để phục vụ cho hành trình chinh phục núi Răng Cưa, người leo núi cần chuẩn bị và mang theo một số thứ cơ bản, như: ba lô, giày leo núi, áo khoác, mũ, găng tay, đèn pin và một số dụng cụ y tế phục vụ sơ cứu cơ bản, như: nước sát trùng, băng, bông, gạc… Bên cạnh đó, một số loại đồ ăn nhẹ giàu năng lượng và nước uống là thứ thiết yếu của hành trình leo núi.

Hiện nay, có hai hướng đi để trekking núi Răng Cưa: một là, theo hướng đi từ bản Sin Suối Hồ; hai là đi từ xã Tả Lèng.

Nếu chọn hướng đi từ xã Tả Lèng, người leo núi sẽ được trải nghiệm cảm giác kỳ thú khi đi xuyên qua rừng với thảm thực vật nguyên sinh đa dạng, những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to lớn mà rêu phong và dương xỉ phủ kín, dưới chân là thảm hoa trà rụng trắng lối, rừng phong đỏ, cả thảm rêu xanh quyến rũ một màu tươi mới và những thân cây leo bám chằng chịt lên phiến đá.

 Hoa đỗ quyên đua nhau khoe sắc trên núi Răng Cưa.

Nếu lựa chọn hướng đi từ bản Sin Suối Hồ, người leo núi có thể được trekking cùng lúc hai đỉnh núi (Tả Liên Sơn cao 2.996m và Núi Răng Cưa cao 2.852m). Quãng đường từ bản Sin Suối Hồ lên đỉnh núi Răng Cưa dài khoảng 6km, tuy nhiên người leo núi cũng có thể di chuyển bằng xe máy (xe ôm) từ bản đến chân núi quãng đường dài khoảng 2km, như vậy đường lên đỉnh chỉ còn lại khoảng 4km.

Đây là hướng đi khó với địa hình phức tạp, càng lên cao độ dốc càng lớn. Tuy nhiên, bù lại hướng đi này có phong cảnh núi rừng rất đẹp, hùng vĩ, với những tán rừng nguyên sinh, rừng trúc, rừng thông, rừng lá phong và những vách đá phủ đầy rêu xanh và đây cũng là điểm ngắm hoa Đỗ Quyên đẹp nhất (đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng ba đến tháng tư dương lịch, đến với núi Răng Cưa du khách được chiêm ngưỡng hoa Đỗ Quyên bung sắc đỏ, hồng, tím rực rỡ, thơ mộng và hoa sơn tra nở trắng khắp núi rừng….). và người leo núi có thể trekking hai đỉnh núi cao trên cùng một hành trình, đó là đỉnh Tả Liên Sơn cao 2.996m và núi Răng Cưa cao 2.852m.

Vượt qua quãng đường leo núi khoảng 6km, du khách đã chinh phục được đỉnh Răng Cưa

Hành trình bắt đầu từ bản Sin Suối Hồ đến đỉnh núi Răng Cưa, từ chân núi có cao độ 1.680m, người leo núi sẽ phải trải qua quãng đường khoảng 3km để đến lán nghỉ ở độ cao 2.655m. Cảnh vật trên cung đường này tuyệt đẹp bởi có rất nhiều hoa đỗ quyên, nhất là khoảng thời gian từ tháng ba đến tháng tư dương lịch. Vào thời điểm này, đến với núi Răng Cưa, các du khách sẽ được chiêm ngưỡng cả rừng hoa đỗ quyên đua nhau khoe sắc, với các màu đỏ, vàng, hồng… rực rỡ khắp núi rừng.

Từ lán nghỉ, leo thêm hơn 1 km là tới đỉnh núi Răng Cưa. Sau khi ngắm cảnh, check-in, chụp ảnh lưu niệm và nghỉ ngơi, người leo núi có thể tiếp tục hành trình đi ngang qua quãng đường khoảng 4,5km để chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn cao 2.996m.

 Du khách thích thú check-in đỉnh núi Răng Cưa.

Còn hướng đi từ Tả Lèng là hướng đi truyền thống, được nhiều người biết. Theo hướng đi này, đường không quá dốc nhưng cũng có một số đoạn phải trèo qua vách đá hay chui xuống dưới những lùm cây.

Đặc biệt, người leo núi sẽ được trải nghiệm cảm giác kỳ thú khi đi xuyên qua cánh rừng rộng lớn, với thảm thực vật nguyên sinh, dưới những tán cây cổ thụ xum xuê là dây leo chằng chịt; nhiều cây gỗ quý có đường kính lớn, thân cây cao với nhiều lớp dương xỉ bám kín thân cây, rễ cây cổ thụ bám chặt, quấn vào vách núi đá, phủ trên đó là những lớp rêu xanh nhuốm màu thời gian.

Hoa đỗ quyên trên núi Răng Cưa.

Hiện nay, hành trình chinh phục đỉnh Răng Cưa được thuận tiện hơn vì có đã lán nghỉ. Nếu chinh phục combo 2 đỉnh Răng Cưa và Tả Liên Sơn, du khách có thể đi 2 ngày 1 đêm. Tuy nhiên, nếu không có thời gian thì có thể chinh phục đỉnh Răng Cưa trong ngày. Với người có thể lực trung bình, cần khoảng thời gian 8 tiếng để chinh phục đỉnh Răng Cưa.

N.Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khoá:núi răng cưa

0 bình luận

Viết bình luận của bạn