Nâng cánh du lịch thành phố phát triển

Nâng cánh du lịch thành phố phát triển

Những năm qua, thành phố Lai Châu quan tâm đầu tư, quy hoạch xây dựng, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, phát triển mạng lưới dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá du lịch Lai Châu, thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thành phố Lai Châu về đêm.

Nhằm phát triển du lịch trên địa bàn, thành phố Lai Châu chú trọng công tác xây dựng quy hoạch du lịch; phát triển mạng lưới dịch vụ, chỉnh trang đô thị hỗ trợ phát triển du lịch; khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Mông, Thái, Giáy; xây dựng và khai thác các điểm du lịch trên địa bàn thành phố...

Thực hiện xây dựng quy hoạch du lịch, thành phố đầu tư phát triển hệ thống giao thông nội thị, giao thông nông thôn tới các bản, tổ dân phố; đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và điện trang trí, hệ thống pano, bảng biển trên các trục đường lớn và tuyến phố chính như: Đường 58m và Đại lộ Lê Lợi, đường Trần Phú; cải tạo, trồng hoa, cây cảnh, nâng cấp hệ thống thoát nước, vỉa hè... Có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch như: Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, điểm vui chơi, giải trí, mua sắm, vận chuyển và các dịch vụ kinh doanh lữ hành, thuê trang phục dân tộc... từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Đầu tư xây dựng, khai thác các điểm du lịch như: Xây dựng Khu lâm viên cây xanh; khu công viên Hồ Thủy Sơn và Hồ Hạ được lắp đặt điện trang trí, 32 bộ dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời; tăng cường chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp là điểm nhấn thu hút du khách đến thành phố. Xây dựng bản văn hóa dân tộc Mông gắn với hệ thống hang động bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng) và bản văn hóa du lịch dân tộc Giáy, bản San Thàng 1 (xã San Thàng) gắn với chợ phiên San Thàng. Đồng thời, duy trì tổ chức các lễ hội như: Grâuk Taox Cha vào dịp 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm; lễ hội Tú Tỉ tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm. Đặc biệt, vừa qua thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã San Thàng tổ chức chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần. Nhờ đó, tạo thêm nét đặc trưng, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Du khách chụp ảnh lưu niệm khi đến thăm bản văn hoá du lịch trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Cùng với đó, thành phố Lai Châu đã khuyến khích, tạo điều kiện cho một số hộ dân trên địa bàn xã San Thàng và phường Đông Phong xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch sinh thái như: Trang trại rau thủy canh ở bản Cắng Đắng, mô hình trồng hoa ở bản San Thàng 2, xã San Thàng; mô hình ao Sen ở tổ 14, mô hình trồng hoa và cây đào ở tổ 23, phường Đông Phong... Đến nay, các mô hình này đã trở thành những địa điểm hấp dẫn, thu hút các đoàn khách du lịch và Nhân dân đến tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm...

Ngoài ra, thành phố còn chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề thủ công, ẩm thực truyền thống của dân tộc Mông, Thái, Giáy như: Làng nghề sản xuất bánh bỏng, bánh khảo của dân tộc Giáy xã San Thàng; nghề sản xuất rượu ngô của dân tộc Mông tại bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng; nghề làm đệm Bông gạo của dân tộc Thái, phường Đoàn Kết... Để khi đến với thành phố Lai Châu du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan mà còn được hòa mình vào trải nghiệm thực tế cách làm bánh, được mua các sản phẩm của địa phương về làm quà biếu mỗi dịp du lịch. Đồng thời, các xã, phường chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn, dàn dựng các tiết mục văn nghệ nhằm khôi phục, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng và duy trì hoạt động của đội văn nghệ dân tộc.

Đà điểu được nuôi tại bản Văn hoá du lịch Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu.

Xã San Thàng là một trong những xã có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như: Chợ phiên San Thàng vào thứ 5, chủ nhật và chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần; mô hình trồng hoa ở bản San Thàng 2; nghề sản xuất bánh bỏng, bánh khảo của dân tộc Giáy... cùng nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Giáy nơi đây. Do đó, xã chú trọng tuyên truyền vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực và làn điệu dân ca, nghề truyền thống; có những chính sách đầu tư mở rộng chợ San Thàng và thành lập chợ đêm. Nhất là khuyến khích các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển du lịch. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn có nhiều điểm du lịch được người dân, doanh nghiệp đầu tư, thu hút du khách đến tham quan; hàng năm, xã đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan.

Là một trong những hộ đầu tư trồng hoa để bán và làm điểm du lịch cho khách tới tham quan chụp ảnh, chị Nguyễn Thị Thoa – Chủ vườn hoa tại bản San Thàng 1 cho biết: Mới đầu tôi chỉ thuê đất trồng hoa đơn thuần, nhưng khi được tuyên truyền vận động, nhất là do nhu cầu thị trường, người dân thích đến tham quan, chụp ảnh nên gia đình tôi đầu tư riêng một khoảng không gian trồng nhiều loại hoa, tạo sự đa dạng, phong phú và trang trí thêm chong chóng, đèn lồng... Nhờ đó, nhiều người tìm đến tham quan, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập từ việc làm du lịch.

Đặc biệt, xác định nền tảng chắc chắn để phát triển du lịch bền vững phải có kiến thức căn bản, do đó thành phố Lai Châu chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thành phố đã mở các lớp tập huấn thuyết minh viên, lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch, lớp đào tạo nghề du lịch cộng đồng, ẩm thực cho người dân, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng lớn trên địa bàn.

Tin rằng, với những việc làm thiết thực, những quyết sách hỗ trợ đúng và trúng sẽ làm thay đổi diện mạo thành phố, xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, thân thiện trong lòng du khách khi đến tham quan, tạo đà cho du lịch Lai Châu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển.

Hoàng Đông

0 bình luận

Viết bình luận của bạn