Sức hấp dẫn của các bản du lịch cộng đồng ở Lai Châu

Sức hấp dẫn của các bản du lịch cộng đồng ở Lai Châu

Có dịp theo chân đoàn du khách Pháp đến tham quan một số bản ở Lai Châu. Ông Bernat Pivot - một du khách cho biết “Đến Lai Châu, chúng tôi có những trải nghiệm thật thú vị, được xem các phụ nữ Lào, Lự, Mông, Dao làm các vật dụng bằng thủ công như: dệt vải, làm váy, làm khăn với các kiểu dáng và hoa văn rất độc đáo.

Quả thật tôi thấy phụ nữ ở đây như các họa sỹ vậy, họ đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật một cách thật tài tình. Chúng tôi rất ấn tượng với nét văn hóa của người dân nơi đây. Họ có những giá trị văn hóa đặc sắc ngay trong đời sống hàng ngày. Tôi đã đi tham quan nhiều nơi, nhiều vùng quê, làng bản nhưng tôi thấy ở Lai Châu có những điều thú vị rất riêng, rất lôi cuốn. Đời sống yên bình, cảnh quan đẹp và đặc biệt là người dân nơi đây còn giữ được bản sắc văn hóa nguyên vẹn”.
Được biết vừa qua UBND tỉnh Lai Châu đã ra quyết định công nhận một số điểm du lịch, trong đó có các điểm du lịch cộng đồng như: Nà Luồng, Bản Hon, Gia Khâu, Vàng Pheo. Đây là tin vui đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại các điểm bản du lịch cộng đồng nêu trên, là cơ sở để người dân địa phương phát triển du lịch góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần xóa đói, giảm nghèo. 
Với vị trí thuận lợi trên tuyến quốc lộ 4D các điểm du lịch cộng đồng ở Lai Châu sẽ tạo thành tour du lịch hấp dẫn (Nà Luồng - Bản Hon - Gia Khâu - Vàng Pheo). Mỗi điểm đến đều mạng lại cho du khách những trại nghiệm thú vị riêng. 
Bản Nà Luồng được đánh giá là điểm bản đặc sắc nhất trong tuyến “Vòng cung Tây Bắc”. Được bình chọn bởi lãnh đạo Tổng cục Du lịch và những người có thâm niên trong ngành du lịch sau chuyến khảo sát các điểm du lịch ở các tỉnh Tây Bắc mở rộng. Du khách được cảm nhận vẻ đẹp nguyên sơ ngay từ đầu bản khi đi trên chiếc cầu treo chênh vênh tới con đường mòn qua cánh đồng vào bản. Nà Luồng ở vị trí tiền thủy, hậu sơn nên phong cảnh thật bình yên, thơ mộng. Cùng với phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của ngươi dân nơi đây sẽ là điều kiền thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Bản Hon, nơi có nét văn hóa độc đáo của người Lự. Cuộc sống của người Lự rất giản dị nhưng ẩn chứa sự tinh tế được thể hiện qua trang phục truyền thống,  tục nhuộm răng đen và các làn điệu dân ca. Để có hàm răng đen bóng phụ nữ Lự phải nhuộm răng từ lúc 12-13 tuổi. Hàng ngày, sau bữa cơm tối các cô gái Lự lại ngồi bên bếp lửa nhuộm răng. Theo quan điểm của người Lự phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng xinh tươi.
Bản Gia Khâu là nơi có cảnh quan yên bình, đời sống của đồng bào người Mông đơn sơ, mộc mạc nhưng lại rất giàu bản sắc văn hóa. Mặc dù cách trung tâm Thị xã Lai Châu chừng 3km nhưng nhịp sống và sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn giữ nguyên phong tục, tập quán từ bao đời nay. Hình ảnh thú vị mà du khách thường thấy khi tham quan bản Gia Khâu là trước hiên nhà người phụ nữ Mông miệt mài với đường kim, mũi chỉ để làm ra những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. 
Bản Vàng Pheo nằm dọc theo con suối Nậm Lùm thuộc xã Mường So huyện Phong Thổ. Cùng với những ngôi nhà truyền thống người dân nơi đây còn giữ gìn  được nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng như: lễ hội Nàng Han (15/2 âm lịch), lễ hội Then Kin Pang(10/3 âm lịch), lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (15/9 âm lịch). Trong những ngày hội, ngoài các nghi lễ truyền thống, còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian mạng đậm bản sắc văn hóa của người Thái trắng như: Múa quạt, Múa xòe, hát giao duyên, trò chơi tó má lẹ, ném còn, bắt cá suối.
Tuy nhiên, hiện tại lượng khách đến với các bản du lịch cộng đồng trên chưa tương xứng với sức hấp dẫn của nó. Để thu hút được nhiều du khách đến với các bản du lịch, thiết nghĩ tỉnh Lai Châu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giới thiệu, quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức các chương trình quảng bá tại các trung tâm đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh; Lồng ghép với các chương trình văn hóa, ngoại giao của tỉnh để thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá ở trong nước và quốc tế,.... Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả các bản du lịch cộng đồng cần chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hạn chế tối đa các yếu tố làm biến đổi tới cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm bản du lịch cộng đồng. 
Với vẻ đẹp núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, người dân thân thiện, bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo và đa dạng của 20 dân tộc đã tạo nên sự hấp dẫn của du lịch cộng đồng Lai Châu./.
 
Đức Sinh

0 bình luận

Viết bình luận của bạn