Là tỉnh miền núi, Lai Châu lấy phát triển nông nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế. Khoảng 5 năm trở lại đây, phát triển nông nghiệp sạch đang được tỉnh Lai Châu quan tâm chú trọng. Nắm bắt từ nhu cầu của đông đảo khách hàng về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, một số người dân đã thực hiện các mô hình rau sạch. Mô hình trồng rau thủy canh là một điển hình trong cách làm mới này ở thành phố Lai Châu.
Trang trại trồng rau thủy canh của anh Đào Ngọc Sơn ở bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu được đầu tư với nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng. Trang trại này được xây dựng với diện tích hơn 4.000m2 nhà kính để trồng rau thủy canh, đây cũng là cơ sở sản xuất rau sạch duy nhất ở tỉnh Lai Châu hiện nay.
Anh Đào Ngọc Sơn kiểm tra rau thủy canh
Theo anh Sơn, ý tưởng sản xuất rau thủy canh xuất phát từ thực trạng rau không đảm bảo an toàn đang tràn lan trên thị trường, anh nghĩ cần có hình thức sản xuất rau sạch để cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng. Từ chuyến đi thực tế tại Hà Nội, anh đã tìm hiểu và liên hệ với công ty chuyển giao công nghệ (Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Mamyfam Việt Nam) và bắt tay xây dựng mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới. Hiện nay, mô hình rau thủy canh của anh Sơn có diện tích hơn 4.000m2 với các loại rau phổ biến như: Cải hoa hồng, cải canh, cải thìa, cải chân vịt, xà lách, rau muống, hành, tỏi. Tất cả các giống rau đều là giống ngoại nhập, đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao và kháng khuẩn, chất lượng rau an toàn. “Trồng rau bằng phương pháp thủy canh hồi lưu trong nhà lưới có những ưu điểm mà phương pháp trồng rau trên đất không có được như: Không phải làm đất, không có cỏ dại; trồng được nhiều vụ, có thể trồng trái vụ, không cần tưới, không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại; sản phẩm hoàn toàn sạch đồng nhất; không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phương pháp canh tác thủy canh hồi lưu là phương thức tiên tiến trồng rau sạch không cần đất mà bằng hệ thống thùng chứa các dung dịch dinh dưỡng và bơm tuần hoàn lên những ống thủy canh, dung dịch sẽ được luân chuyển qua hệ thống ống trồng” – Anh Sơn cho biết
Hiện nay, mỗi ngày trang trại rau thủy canh của anh Sơn cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg rau sạch. Cũng từ trang trại này, anh Sơn đã tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động là người dân tộc thiểu số, với thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Vàng Văn Cương, xã Bản Giang, huyện Tam Đường xin vào làm tại trang trại từ những ngày đầu. Vốn quen với công việc nhà nông nên anh Cương không cảm thấy khó khăn khi làm việc tại đây. Anh vui vẻ nói: Công việc không vất vả, được hướng dẫn chăm sóc rau theo phương pháp tiên tiến, mình cũng biết thêm được nhiều, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, mình đã có nguồn thu nhập ổn định để giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Mô hình trồng rau thủy canh không chỉ làm cho bà con Nhân dân các dân tộc bản địa kinh ngạc bởi sự mới lạ, đó là trồng rau mà không cần đất mà sau hai năm mày mò, học hỏi kỹ thuật và học công nghệ, đến nay thương hiệu rau thủy canh của anh Sơn đã trở nên quen thuộc với các cửa hàng, siêu thị và người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh cũng như các tỉnh phụ cận. Chia sẻ thêm anh Sơn cho biết: Mặc dù nó có khó khăn bước đầu là đầu tư lớn, thế nhưng nó đạt được hiệu quả rất là tốt, nếu như ta lĩnh hội đầy đủ quy trình chăm bón. Đây là một phương pháp trồng không tốn về đất, không tốn về nhân công, không tốn về nước, có thể giảm được 90% nước tưới và 60% nhân công và hiệu quả đạt được gấp 2 đến 3 lần rau trồng bình thường. Tôi mong muốn trong thời gian tới các cấp chính quyền địa phương, cùng các ban ngành như nông nghiệp có chính sách hỗ trợ môt phần nào đó như là công nghệ, giống, có thể là nhà, phần xây dựng để chúng tôi giảm chi phí ban đầu nhằm phát triển đa dạng sản phẩm.
Trang trại trồng rau thủy canh được đảm bảo đúng theo yêu cầu kỹ thuật, sản xuất không có hóa chất nhiễm khuẩn và ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; giải phóng được sức lao động và dán mác nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Chính cách làm mạnh dạn và đảm bảo tiểu chuẩn an toàn này mà kỹ thuật trồng rau thủy canh nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Ông Vương Văn Thắng, Bí thư Thành ủy Lai Châu cho biết: Thời gian qua, thành phố Lai Châu đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp về phần vốn. Ví dụ mỗi mô hình chúng tôi hỗ trợ 500 triệu vay ngân hàng và thành phố hỗ trợ 70% lãi suất trong 3 năm sử dụng nguồn vốn vay đó. Chúng tôi đang sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ cho khoảng 40 mô hình như vậy. Thành phố Lai Châu mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều mô hình như thế này phát triển.
Mô hình trồng rau thủy canh tại thành phố Lai Châu đang mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. Qua đó tạo năng suất cao trong sản xuất và phổ biến sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch của tỉnh Lai Châu./.
Theo: Nguyễn Chanh (laichau.gov.vn)
0 bình luận