Từ những sợi chỉ sau khi xe, được nhuộm màu bằng các loại vỏ cây, hạt quả, trên nền vải đen, phụ nữ Thái thêu chiếc khăn piêu. Mỗi người có cách thể hiện khác nhau phụ thuộc vào tâm tư, tính cách của từng người. Thông thường là những đường viền rất phức tạp, phối màu chủ đạo đỏ, vàng, xanh. Chỗ thì thêu hình thoi, chỗ thì thêu hình chữ chi, có thể bằng một màu nhưng cũng có thể bằng nhiều màu. Các chi tiết thể hiện cánh hoa, dòng suối tết bằng chỉ màu phối hợp hài hoà với đường thêu tinh tế làm chiếc khăn piêu càng thêm sống động.
Khi đội, một đầu khăn piêu vắt chéo trên đỉnh đầu rồi bẻ vuông góc với mép khăn phủ xuống trán và một đầu khăn vắt ra sau lưng để lộ hoa văn ra phía trước và đằng sau. Đội khăn piêu cũng là một nghệ thuật, có nhiều cách đổi khăn có thể xếp khăn thành hình quả tim, hình mái nhà, hình quả trám…
Chiếc khăn piêu của phụ nữ Thái không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, gắn với văn hóa truyền thống của người Thái đen vùng Tây Bắc. Người phụ nữ Thái sớm làm quen với việc se bông, dệt vải, thêu thùa. Từ khi mười ba mười bốn tuổi con gái Thái đã được các bà, các mẹ truyền dạy việc dệt vải, thêu thùa đặc biệt là cách thể hiện các mẫu hoa văn trên chiếc khăn piêu. Học thêu piêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo để chuẩn bị bước vào đời. Việc dệt vải, làm váy, áo và thêu khăn piêu là bài học không thể thiếu đối với người phụ nữ Thái trước khi đi lấy chồng. Thông qua chiếc khăn piêu có thể biết chủ nhân là người tài hoa, khéo léo hay là người vụng về. Khăn piêu còn là lễ vật trong ngày cưới con dâu dành tặng gia đình nhà chồng.
Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập văn hóa vô cùng mạnh mẽ đã đưa chiếc khăn piêu trở thành một sản phẩm quà tặng du lịch được nhiều du khách lựa chọn. Ai đã từng lên Tây Bắc hẳn sẽ không quên hình ảnh các cô sơn nữ với áo cóm, khăn piêu.
Đức Sinh
0 bình luận