...Mình muốn nhiều người biết đến văn hoá của dân tộc Lự.....

...Mình muốn nhiều người biết đến văn hoá của dân tộc Lự.....

Đó là câu nói của chị Tao Thị Đi – một phụ nữ dân tộc Lự có nụ cười tươi với hàm răng đen bóng mà tôi đã vô tình gặp khi tham dự chương trình “Sắc màu Tây Bắc” ở Thủ đô tháng 4 vừa rồi khiến tôi nhớ mãi. Tranh thủ chuyến công tác lên Lai Châu tôi tìm đến Bản Hon (huyện Tam Đường) mong gặp lại người phụ nữ đó, người đã hát cho tôi nghe một khúc dân ca truyền thống rất đặc sắc.



Chị Tao Thị Đi đang chia sẻ những nét văn hóa 
của dân tộc mình với phóng viên của VOV -  Thái Hà
 
Bản Hon cách thị xã Lai Châu không xa, quãng hơn chục cây số. Nhà chị Tao Thị Đi ở Bản Hon 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Vẫn bộ trang phục truyền thống đẹp tinh xảo, vẫn nụ cười với hàm răng đen bóng, chị Đi vui mừng khi gặp lại tôi, chúng tôi vui vẻ trò chuyện căn nhà sàn ngăn nắp, sạch sẽ. Sau vài câu thăm hỏi, tôi nói muốn tìm hiểu thật nhiều về văn hóa của người Lự. Chị Đi kể chị đã tham gia khá nhiều những chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ trong tỉnh và cả nước. Được đi nhiều, biết nhiều chị thấy rất vui và có nhiều kỷ niệm. Tôi được biết ở xã Bản Hon chị là một trong số ít người còn thuộc các bài dân ca dân tộc Lự. Ở bản, chị là đội trưởng đội văn nghệ. Chị Đi tâm sự “Người Lự rất thích hát dân ca, chơi các loại nhạc cụ truyền thống như sáo, nhị, trống trong các ngày lễ, ngày hội của bản làng”. Chị cho biết “dân ca Lự phải có sáo mới hát được, người Lự gọi cách hát như vậy là pấu pí khắp, sáo lại phải có sáo mẹ và sáo con. Ngày xưa, trẻ con 13, 14 tuổi đã biết khắp rồi”. Người Lự hát khi vui, khi uống rượu, đặc biệt là vào những ngày lễ, tết. 
Tôi muốn tìm hiểu về kiến trúc nhà sàn của người Lự. Chị Đi kể rằng dân ở bản Hon rất đoàn kết và hay giúp đỡ nhau. Nếu ở bản có đôi bạn trẻ mới lập gia đình, cả bản sẽ hỗ trợ giống má, cùng giúp dựng nhà. Nhà sàn của người Lự làm bằng gỗ, có hai mái, mái sau ngắn, mái trước dài che khoảng không ở cầu thang và hàng hiên. Trong nhà, phòng ngủ của chủ nhà, con cái được phân định rõ ràng, phòng ngủ của chủ nhà cũng là nơi thờ cúng tổ tiên. Dẫn tôi đến bếp chị Đi nói tôi có muốn học cách nhuộm răng đen không. “Mình nhớ kỷ niệm khi lần đầu đến Hà Nội, ai thấy mình cũng lạ lẫm, nhất là với hàm răng đen. Có người khen đẹp nhưng hầu hết họ nói là nhìn sợ lắm. Ban đầu mình cũng thấy không tự tin nhưng giờ quen rồi. Mình luôn tự hào về truyền thống dân tộc mình.” Vừa kể chị vừa lấy những dụng cụ để nhuộm răng cho tôi xem. Chỉ gồm có một ống sắt dày, có nắp đậy, mấy đoạn gỗ ngứa, đem đốt thành than thả vào ống sắt, lấy khói bám chà vào răng là được. “Đơn giản lắm nhưng phải kiên trì em ạ. Chị nhuộm răng từ năm 12 tuổi, tối nào cũng nhuộm. Đối với người Lự, phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp. Nhuộm răng còn là bí quyết giúp răng chắc khỏe đấy em ạ”.  
Chị Đi dẫn tôi đi một vòng quanh bản. Bản Hon thật đẹp, những nếp nhà sàn nhỏ san sát, vườn tược liên kề tạo thành một khung cảnh ấm cúng, hiền hòa, thơ mộng. Hàm răng đen khiến cho nụ cười của những cô gái Lự thêm tỏa nắng. Hầu hết phụ nữ ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống. Chị Đi giới thiệu cho tôi biết về bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lự. Bộ váy áo này rất đẹp và để làm cũng rất công phu. Phụ nữ Lự dùng sợi bông để dệt vải, đem nhuộm chàm màu đen mới may áo. Khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hai ống tay áo phần giáp vai và ống cổ tay đều thêu hoa văn hình sóng bằng các loại chỉ màu. Chi Đi nói “con gái 13 tuổi đã phải biết tự quay bông dệt vải rồi. Đến khi lấy chồng phải biết quấn khăn nữa”. Khăn được dệt thêu khá cầu kỳ quấn thành nhiều lớp nghiêng về bên trái để lộ khuôn mặt trong sáng, chất phác. Ở Bản Hon, dưới gầm sàn nhà nào cũng có khung dệt. Có nhà có đến vài cái, cái để dệt vải, cái dệt hoa văn. Tiếng dệt vải kẽo kẹt tạo thành một thứ âm thanh vui tai vang khắp bản. 
Tôi tò mò với mọi thứ ở bản Hon và ở chị. Hình như chị cũng rất muốn tôi sẽ mang những câu chuyện của ngày hôm nay giới thiệu đến nhiều người hơn nữa. Tôi được nghe chị hát rất nhiều bài dân ca dân tộc Lự, nghe chị kể về những phong tục truyền thống của đồng bào, về những Lễ hội, những đêm xòe thâu đêm thời con gái…Tôi ở lại dùng cơm với gia đình chị, bữa cơm hôm ấy có món thịt khói, có lạp chua, có xôi nếp nương… 
Chị nhắc lại câu nói khi chia tay tôi: “Bản Hon đang phát triển du lịch, mình và dân bản rất vui khi có nhiều người yêu thích phong cảnh quê mình, muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình. Nếu giúp được gì mình rất sẵn lòng chia sẻ. Mình muốn sẽ có nhiều người biết đến văn hóa dân tộc Lự…”

Duy Uyên

0 bình luận

Viết bình luận của bạn