Chinh phục cung Pusilung cao hơn 3000m, hiểm trở bậc nhất Tây Bắc

Chinh phục cung Pusilung cao hơn 3000m, hiểm trở bậc nhất Tây Bắc

Cao 3083m, Pusilung là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam sau Fansipan. Đây là ngọn núi cao nhất án ngữ nơi biên cương Tổ quốc. Pusilung nằm gần với mốc biên giới số 42 thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Pusilung là đỉnh núi mà dân mê trekking mơ ước được chinh phục bởi vẻ đẹp và độ khó cần sự thử thách vô cùng gian nan. (Ảnh: Lê Vũ)

Pusilung - Nóc nhà biên cương

Pusilung nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu giáp với biên giới Trung Quốc. Đây là cung leo dài, hiểm trở và khắc nghiệt nhất Tây Bắc có tổng chiều dài hơn 60km. Nhưng những người leo núi, du khách ưa khám phá rất thích chinh phục đỉnh núi này.

Dân mê leo núi coi việc chinh phục Pusilung là một thử thách về thể lực và ý chí trekking. Để chinh phục được đỉnh Pusilung cần phải chuẩn bị tốt về thể lực, sự quyết tâm, tinh thần đồng đội hỗ trợ nhau trong quá trình leo. Bởi đây là ngọn núi cao thứ 2 Việt Nam nhưng lại đứng vị trí số 1 về độ khó, là đích đến trong mơ của bất kỳ dân mê trekking nào.

Từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn thuê xe, tự lái hoặc đi xe khách giường nằm xuất phát từ bến xe Mỹ Đình. Mất 12 tiếng cho quãng đường 520km từ Hà Nội đến thị trấn Mường Tè, Lai Châu. Và mất khoảng 2 tiếng để đến đồn Biên phòng Pa vệ Sử làm thủ tục cần thiết trước khi hành trình chinh phục.

Đây là cung leo dài, hiểm trở và khắc nghiệt nhất Tây Bắc có tổng chiều dài hơn 60km. (Ảnh: Lê Vũ)

Để chinh phục được cung Pusilung, các đoàn trekking đa phần đi 3 ngày 2 đêm. Pusilung là cung có nhiều con suối nhất với 11 con suối lớn nhỏ, sau cung Nam Kang Ho Tao. Nếu trong hành trình chinh phục gặp mưa, đó là thử thách lớn đối với bạn bởi đường đi gặp nhiều suối, đá, trơn trượt chưa kể mưa lớn nước dâng cao, chảy xiết chia cắt du khách đi tiếp hoặc quay về.

Pusilung là cung có nhiều suối chỉ sau Nam Kang Hô Tao. (Ảnh: Lê Vũ)

Pusilung là khu rừng nguyên sinh, cực kỳ hoang sơ, trên đường đi bạn có thể gặp rắn, rết, bò cạp và nhiều loài khác nên du khách luôn được nhắc nhở đi sau những người dẫn đường, họ là người địa phương, tinh mắt, có kinh nghiệm và có phản xạ tốt hơn.

Nếu duy trì tốc độ đi đều thì khoảng 6 giờ tối, du khách đến điểm dừng chân cho đêm đầu tiên. Ở đây mọi người cùng nấu ăn, tiếng nói cười, kể chuyện trên đường đi của du khách khiến cả khu rừng rung lên như bản nhạc, phá tan nốt trầm bao lâu nay. Cả 1 ngày dài leo mệt và căng thẳng, bữa tối là thời điểm vui vẻ nhất, mọi người vừa ăn, vừa trò truyện bên bếp lửa bập bùng, cùng nghe tiếng suối chảy róc rách và ngắm bầu trời đêm đầy sao. Không gian dường như bị phá vỡ về ranh giới nên các nhóm dù không quen biết nhưng đã ngồi cùng nhau ở 1 điểm ai cũng vui vẻ sang mời nhau cùng nâng ly chén rượu, hỏi thăm về nhau. Và cũng có nhiều cuộc tình đẹp nảy nở khi đi leo núi. Giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp, du khách được hòa mình vào với thiên nhiên và những mệt mỏi dường như tan biết hết.

Giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp, du khách hòa mình vào với thiên nhiên và những mệt mỏi dường như tan biết hết. (Ảnh: Lê Vũ)

Cảm xúc khi chinh phục thành công đỉnh Pusilung

Từ điểm dừng chân để lên được đỉnh du khách phải trải qua nhiều thử thách vô cùng gian nan. Ngày thứ 2, tuyến đường leo dọc theo những con suối lớn và nhiều ghềnh thác. Sau khi vượt qua con dốc “3 giờ” tên do người dân địa phương gọi, du khách băng qua khu rừng trúc, rừng dẻ, sồi, cột mốc 42 hiện ra trước mắt giữa trời mốc biên cường nằm trên độ cao 2866m. Đây là cột mốc biên giới cao thứ 2 trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chỉ sau cột mốc 79 nằm trên đỉnh núi cao 2881,89m, thuộc xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu), được xây dựng năm 2004.

Từ mốc 42 đi thêm gần 17km đường rừng nữa mới tới đỉnh. Tuy nhiên nhiều người leo đến được mốc 42 và quay về do đoạn đường từ mốc lên đỉnh trải qua nhiều địa hình: dốc cao, vực sâu, đường đá sỏi,… Địa hình thay đổi đa dạng nhưng cũng đầy thú vị cho những trái tim đam mê thách thức. Tuy nhiên đây cũng là đoạn đường đẹp nhất của cung leo. Du khách đi xuyên qua khu rừng cổ thụ với những cây to, rong rêu phủ kín. Hay có những khu rừng ở đó chỉ có cây lá phong vầ đỗ quyên cổ thụ. Ở Pusilung sở hữu rừng đỗ quyên vàng cổ thụ nhiều và đẹp hơn bất kỳ nơi đâu ở Tây Bắc.

Thảm thực vật tại Pusilung đa dạng và phong phú. Người dẫn đường là người bản địa ở đây cho biết, vào mùa thảo quả, du khách băng qua những khu rừng thảo quả bát ngát, chiêm ngưỡng các loại cây cổ thụ như trong truyện cổ tích với những tán lá xòe rộng phủ kín cả bầu trời. Hay du khách băng qua những khu rừng lá kim, hay rừng cỏ lau bát ngát. Đi giữa những cánh rừng không chỉ đẹp mắt về màu sắc, hình dáng, bạn sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu và sự giao hòa giữa con người với đất trời, thiên nhiên. Sống giữa thiên nhiên hoang sơ, hít hà không khí trong lành và tận hưởng âm thanh của núi rừng mà không thể có ở bất cứ nơi đâu.

Khu rừng sở hữu những gốc cây cổ thụ phủ đầy rong rêu, cứ ngỡ đang ở trong thế giới thần tiên, cổ tích. (Ảnh: Thanh Hải)

Dân leo núi hay nói đùa với nhau rằng “phải có nhân phẩm tốt thì leo núi mới săn được mây”. Đó là câu nói đùa vui về sự may rủi khi đi trekking, bởi ai cũng mong muốn được trải nghiệm trong điều kiện thời tiết tốt, ngắm mây bồng bềnh như tiên cảnh. Thường thì buổi sáng sớm hoặc chiều muộn là thời gian thích hợp nhất để săn mây. Lúc đó, ánh sáng mờ ảo và không khi mát lành, mới thấy con người thật nhỏ bé khi đứng giữa núi rừng và ngắm nhìn cánh đồng mây mịn màng trải dài vô tận, huyền ảo, lung linh, len lỏi bồng bềnh qua các dẫy núi, thung lũng.

Bất cứ dân leo núi nào cũng đều mong muốn săn được mây trong hành trình chinh phục các đỉnh cao. Bởi được ngắm biển mây bồng bềnh cứ ngỡ mình đang ở một thế giới bồng lai tiên cảnh. (Ảnh: Thanh Hải)

Săn mây trong hành trình chinh phục Pusilung mang đến cho bạn cảm giác bình yên, thư thái. Bạn sẽ thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc tuyệt đẹp có một không hai như trong thế giới cổ tích.

Trekking Pusilung 3 ngày 2 đêm là quãng thời gian không quá dài nhưng đủ để cảm nhận được vẻ đẹp miền sơn cước biên giới. Khi chạm tay vào chóp nhọn mới cảm nhận được sức mạnh vô hình, một đỉnh núi luôn luôn thử thách ý chí và quyết tâm của người muốn chinh phục.

Khoảnh khắc được chạm tay vào chóp nhọn thực sự hạnh phúc. Bởi đó là đích đến là kết quả của sự cố gắng bền bỉ chinh phục. (Ảnh: Lê Vũ)

Cuộc sống là những hành trình bất tận. Và được chinh phục đỉnh núi cao là trải nghiệm tuyệt vời không thể quên với bất kỳ ai trong cuộc đời này. Hãy tự hào khi mình là 1 trong những người đã chinh phục được Pusilung huyền bí, nơi mà số người đặt chân đến còn chưa nhiều. Bởi không chỉ có đam mê nhiệt huyết mà bạn cần có thể lực thật tốt mới chinh phục được Pusilung 1 cách trọn vẹn.

Hoàng My - Lê Vũ

 

Từ khoá:Chinh phụcpusilung

0 bình luận

Viết bình luận của bạn