Giữ gìn và lưu truyền nghề nhuộm chàm truyền thống của đồng bào Mông Lai Châu

Giữ gìn và lưu truyền nghề nhuộm chàm truyền thống của đồng bào Mông Lai Châu

Lên vùng cao Lai Châu, không ít lần du khách chợt ngẩn ngơ khi bắt gặp “xúng xính váy Mông” từ những bước đi dịu dàng của những cô gái, sự tươi tắn trong họa tiết thêu, sự nền nã, dịu dàng của sắc chàm đen hiện hữu trên những trang phục thường nhật. Đó là màu chàm thắm đặc trưng của đồng bào Mông. Nghề nhuộm chàm độc đáo đã lưu giữ, truyền lại qua từng thế hệ, để màu chàm thắm mãi như một nét biểu tượng, chứa đựng hồn cốt của văn hóa dân tộc của đồng bào nơi đây.

 

Thiếu nữ dân tộc Mông kiểm tra vải sau khi nhuộm chàm, phơi khô

Giữ gìn nghề truyền thống

Bản Pho Lao Chải cách trung tâm xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chưa đến 1km với 95 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây, bà con vẫn giữ nếp sinh hoạt từ bao đời, đàn ông lên rừng, làm nhà, phụ nữ lên nương, trồng rau, dệt vải, may trang phục. Bà Ma Thị Dủ đã ở tuổi 60, từ khi lên 10 tuổi bà đã được mẹ dạy se sợi, dệt vải, nhuộm chàm. Và đến giờ, bà lại tiếp tục dạy cho cháu mình cách để làm nên một bộ trang phục truyền thống.

Ở bản Pho Lao Chải, bà Ma Thị Dủ nổi tiếng dệt vải, nhuộm chàm đẹp

Hướng dẫn cô cháu gái Giàng Thị Uyên cách xem màu nước chàm khi ngâm đạt chuẩn, cách ngâm tấm vải thô để lên màu đều, cách vẽ họa tiết sáp ong trên vải, cách chọn chỉ màu, thêu váy áo. Bà Ma Thị Dủ bảo, phải dạy con gái, cháu gái để các con cháu biết cách làm quần áo. Con gái đi lấy chồng mà ko biết se sợi, dệt vải, ko biết nhuộm chàm, thêu váy áo thì bị nhà chồng chê. Ngày còn trẻ, bà có tiếng là dệt tấm vải đẹp, nhuộm màu chàm đều, thẫm nên được trai bản theo đuổi. Bây giờ phải dạy các con, các cháu không được quên công việc này.

Ở bản này, các bà, các mẹ đều dạy cho con, cháu để nghề truyền thống không bị mai một. Nhất là, trang phục làm vải dệt từ cây lanh mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, phù hợp với công việc lao động của người dân nên từ bao đời, người dân trong bản vẫn ưa thích mặc trang phục truyền thống. Đôi bàn tay nhuộm chàm cho tấm vải chính là nét đẹp riêng vốn có của người phụ nữ trong gia đình.

Phụ nữ Mông dạy nghề dệt vải, nhuộm chàm cho con mình từ rất sớm

Trong gia đình của đồng bào Mông có sự phân chia công việc, và việc dết vải, nhuộm chàm, thêu thùa để may trang phục là công việc của người phụ nữ. Bởi vậy, công việc nhuộm chàm sẽ được các bà, các mẹ truyền lại cho con cháu gái của mình. Tất cả các công đoạn tạo nên một bộ trang phục đều được làm hoàn toàn thủ công nên công việc đó diễn ra hàng năm trời. Lúc nông nhàn, họ tranh thủ dệt lanh, quay sợi, làm thuốc nhuộm chàm cho vải, rồi tỉ mỉ trau chuốt từng đường kim mũi chỉ cho những họa tiết hoa văn trên vải. Để có những bộ váy áo rực rỡ trong ngày hội là cả một quá trình lao động cần mẫn, là sự hội tụ tinh hoa từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông.

Anh Giàng A Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: Cùng với nghề dệt vải từ cây lanh, thì nhuộm chàm cũng trở thành một nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Chính quyền xã luôn vận động, khuyến khích người dân bảo tồn và lưu truyền nghề truyền thống của các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông.

Thủy chung sắc chàm truyền thống trên trang phục

Dân tộc Mông là một trong những dân tộc chiếm số đông ở Lai Châu (khoảng 23,51% dân số toàn tỉnh). Cho đến nay, trang phục của họ đa số vẫn được làm thủ công, từ dệt vải (từ cây bông, lanh) đến nhuộm chàm, thêu họa tiết và may thành trang phục. Dù hiện nay, vải dệt công nghiệp đã khá phổ biến nhưng đồng bào Mông ở Lai Châu vẫn yêu thích phương pháp làm vải truyền thống vì nó gắn bó với đời sống và thói quen sinh hoạt, nhất là các chất liệu đều từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Phơi vải sau khi đã nhuộm chàm

Để tạo nên những tấm thổ cẩm may trang phục, khăn, túi, việc đầu tiên phụ nữ Mông phải làm là thu hoạch cây lanh trên rừng về, rồi phơi khô rồi phải khéo léo tước cây lanh lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt rồi cho vào cối giã cho bong hết bột chỉ còn trơ lại sợi dai. Những bó sợi lanh được xe và cuộn lại thành những cuộn lớn. Phụ nữ Mông nổi tiếng bởi sự cần mẫn, chịu thương chịu khó. Dường như đôi tay của họ chưa hề nghỉ ngơi, bởi dù lên nương hay xuống chợ, nấu ăn thì trên tay họ lúc nào cũng có 1 bó lanh để se sợi. Sợi lanh qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong thì đã trở nên trắng và mềm hơn, những người phụ nữ Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Sau khi có được tấm vải ưng ý, họ sẽ chuẩn bị cho việc nhuộm chàm.

Bà dạy cháu thêu hoa văn trên vải để may váy áo

Nguyên liệu để nhuộm vải là cây chàm, là một loại cây mọc trên rừng. Tuy nhiên, để tiện cho việc thu cắt, tại nhiều bản bà con đã mang loại cây này về trồng trên nương. Loại cây này cho màu sắc chàm đẹp mắt và không gây hại hay kích ứng da. Cây chàm sau khi cắt về sẽ được đem rửa sạch, ngâm trong nước từ 3 ngày đến 1 tuần, đến khi mục tạo thành 1 thứ nước sóng sánh màu xanh đen thì sẽ đạt yêu cầu làm màu nhuộm. 

Để có được tấm vài có màu chàm đậm, không dễ bạc màu thì quá trình nhuộm sẽ phải diễn ra nhiều lần. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời, và đồng bào Mông thường nhuộm chàm vào những ngày nhiều nắng.

Những thiếu nữ Mông biết thêu thùa và may trang phục từ rất sớm.

Sau khi lanh dệt thành tấm, rồi nhuộm đạt màu chàm, người phụ nữ Mông sẽ dùng kỹ thuật vô cùng độc đáo để tạo hoa văn, họa tiết cho vải đó là vẽ sáp ong. Sáp ong được đun trên bếp lửa cho nóng chảy, sau đó dùng bút vẽ có cán bằng gỗ, ngòi bằng đồng nhúng vào sáp nóng và vẽ lên vải. Các họa tiết kể về đời sống sinh hoạt, hình hoa lá, chim muông như một biểu tượng của sự đa dạng trong văn hóa của đồng bào Mông. Sau khi vẽ xong họa tiết, người phụ nữ Mông sẽ thêu chỉ màu lên các họa tiết để tạo ra một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, độc đáo. Từ tấm vải này, họ sẽ may ra các bộ trang phục cho chồng, con và chính bản thân mình. Nếu như trang phục của người đàn ông đơn giản và chủ đạo là màu chàm với tấm vải lanh nguyên bản, thiên về sự thoải mái cho các hoạt động thì trang phục của người phụ nữ rực rỡ với họa tiết và gam màu tương phản, bắt mắt.

Cho đến ngày nay, trang phục váy áo của phụ nữ Mông đã được làm cách tân, cách điệu, dễ sử dụng và trở thành một món quà với nhiều du khách khi đến với Lai Châu. Điểm nhấn của những sản phẩm là chất liệu lanh và được làm theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại cho tới ngày nay. Và như thế, nghề nhuộm chàm cũng đã trở thành một nét đẹp truyền thống được lưu giữ, gắn bó và truyền lại cho cháu con qua bao thế kỷ.

Bài; ảnh: CTV

 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn