Cái thú nhất của dân “phượt” là được dấn thân vào những vùng đất xa xôi nhất, bí hiểm nhất, nguyên sơ nhất. Và đó như là những chiến tích rất đỗi tự hào để được tăng thêm “số má” và để nhận được sự “kính nể” của những người trong diễn đàn. Sau những chuyến phiêu bạt ở Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên,... lần này chúng tôi quyết định chọn Lai Châu là đích đến của cuộc hành trình. Xem trên bản đồ và tra cứu những thông tin thực thực, hư hư trên mạng internet, địa danh kích thích trí tò mò và ham muốn khám phá của chúng tôi nhất chính là Sì Lở Lầu và quyết định đã được đưa ra....
Chúng tôi đã quá quen thuộc trong việc chuẩn bị cho một cuộc hành trình nào là tân trang lại những “cô vợ” đặc chủng, máy ảnh khủng, thiết bị định vị, đèn pin, dao, dây dù, bông băng, đồ hộp,... và những vật dụng thiết yếu khác để có thể ứng phó được với mọi tình huống. Tất cả đã sẵn sàng, trước mỗi cuộc hành trình, lòng người luôn háo hức, bồi hồi đón nhận những điều kỳ thú ở phía trước...
Theo Quốc lộ 32 gần trọn một ngày đường để đoàn xe cào cào của chúng tôi tới Lai Châu, nhưng đổi lại là được chiêm ngưỡng và ghi lại những cảnh quan tuyệt đẹp của non sông đất nước trong tiết trời thu qua những địa danh nổi tiếng như đèo Khau Phạ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, cánh đồng Mường Than,... Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi khá bất ngờ khi thị xã Lai Châu hiện ra trước mắt, thị xã nhỏ bé này có quy hoạch, kiến trúc rất riêng biệt, khá hiện đại, không giống bất kỳ một thành phố, thị xã nào mà tôi đã từng đi qua. “Overnight” một lần ở đây cũng đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng và cảm xúc rất thú vị ...
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi khởi hành đi Sì Lở Lầu. Đo khoảng cách qua chiếc iphone thì trước mắt chúng tôi là khoảng 100km, có vẻ không hề hấn gì so với những “cô vợ” đặc chủng của chúng tôi. Các địa danh Lản Nhì Thàng, Mường So, Bản Lang, Dào San, Dền Thàng cứ lần lượt lùi lại phía sau. Nhưng có lẽ không phải vậy, bắt đầu ra khỏi Dền Thàng, con đường trải nhựa bỗng biến đâu mất, đất đá lổn nhổn, dốc lên cả chục km, những cú xóc nảy tung người mà bộ ProLink và giảm xóc upside down cũng chẳng ăn nhằm gì. Cung đường gấp khúc, dốc dựng đứng khiến động cơ của những chú “ngựa sắt” nóng ran, té nước vào làm mát mà cứ sôi xèo xèo... Đây có lẽ là thử thách thực sự và cũng là điều thú vị nhất cho dân phượt chúng tôi để đến được những nơi mà không phải ai cứ muốn là có thể đến được.
Cả đoàn chọn điểm dừng chân cho những chú “ngựa sắt” mát máy là một nơi phong cảnh tuyệt đẹp, mây núi ngút ngàn, thỏa sức chụp ảnh. Đối với dân “phượt”, không ai là không thích chụp ảnh và đó là một trong những mục đích chính của chuyến đi. Chúng tôi đang ở lưng chừng núi, không thể tưởng tượng được là những cung đường mong manh uốn lượn như những sợi chỉ vắt ngang sườn núi xa kia lại là những thử thách mà chúng tôi sắp phải vượt qua.
Qua hơn chục con dốc cheo leo, cuối cùng thì cũng đến Sì Lở Lầu, xã chót cùng trong vòng cung biên giới của huyện Phong Thổ… Do đã tìm hiểu từ trước, chúng tôi đến đúng vào ngày chợ phiên. Có lẽ do quá xa xôi nên nơi đây vẫn còn giữ gìn được nguyên vẹn bản sắc mộc mạc của một phiên chợ vùng cao. Phiên chợ hôm nay như ngày hội, bà con dân tộc gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói nói, cười cười như thể lâu lắm mới gặp. Bà con đến đây như là để chơi chợ và để gặp gỡ, kết giao. Ở đây, phiên chợ nào chắc cũng vui như vậy. Hoạt động mua bán, trao đổi rất bình dị, không mặc cả. Hàng hóa bà con mang đến để mua bán, trao đổi chủ yếu là các sản vật của địa phương như táo mèo, thảo quả, gừng, ớt, mắc khén, măng rừng, gà, vịt, rượu, thuốc lào, v.v... Chúng tôi bắt gặp các cô giáo trẻ dưới xuôi lên vùng cao đem con chữ đến với đồng bào. Các cô tâm sự, cứ mỗi phiên chợ, là các cô lại tới đây để mua lương thực, thực phẩm dự trữ cho cả tuần và cũng là để hòa vào niềm vui chung với đồng bào cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây hàng trăm năm, chợ phiên họp vào các ngày Mùi và ngày Sửu, là ngày hai con có sừng trong 12 con giáp nên người dân gọi là “chợ sừng”. Vậy là cứ 6 ngày chợ họp một phiên. Nếu tính theo thứ trong tuần thì chợ họp lùi ngày, ví dụ tuần trước họp chủ nhật, thì tuần này họp vào thứ bảy, rồi tuần sau vào thứ sáu. Vậy nên chợ còn có tên khác là “chợ lùi”, rất độc đáo, rất khác biệt với những chợ phiên vùng cao khác.
Là vùng giáp biên nên chợ Sì Lở Lầu còn thu hút cả người dân Trung Quốc sang giao lưu buôn bán. Chúng tôi bắt gặp những cây cầu tre mộc mạc đơn sơ, nơi bà con hai nước vẫn hàng ngày qua lại để giao lưu sinh hoạt. Một hình ảnh thật thân quen, gần gũi với bà con nơi đây, nhưng với chúng tôi lại là một trải nghiệm rất thú vị và thật đặc biệt. Hình ảnh chiếc cầu tre nối liền hai nước cứ ám ảnh tôi, ở miền biên ải xa xôi này chắc chỉ có tình hữu nghị và sự giao lưu hữu hảo giữa đồng bào dân tộc của hai nước...
Đồng bào ở đây chủ yếu là người Dao đỏ, với sắc phục rất độc đáo với tông màu đỏ đặc trưng, có lẽ vì vậy mà họ có tên là Dao “đỏ”. Dừng chân ở một quán nhỏ, thấy cách ăn mặc và xe cộ khác lạ của của chúng tôi, một ông lão người người địa phương với vẻ ngoài từng trải và cặp mắt tinh tường rất cởi mở tiếp chuyện chúng tôi. Ông nói tiếng Kinh rất rành rọt. Ông biết chúng tôi là du khách phương xa lần đầu tiên đặt chân đến miền đất này. Chúng tôi được ông cho biết, theo ngôn ngữ bản địa “Sì Lở Lầu” có nghĩa là mười hai tầng lầu. Tôi mới chợt nhớ ra là chúng tôi vừa vượt qua 12 con dốc cao chót vót. Quả thực là rất trực quan sinh động, đúng như tâm hồn chất phác, phồn hậu của người Tây Bắc. Có lẽ những người khách phương xa tới đây chưa nhiều nên khi gặp chúng tôi, ông lão rất nhiệt thành mời chúng tôi về nhà nghỉ ngơi, uống rượu và giao lưu. Theo lịch trình, chúng tôi dự định sẽ quay về thị xã trong chiều hôm đó. Nhưng trước tấm lòng chân thành và nồng ấm của đồng bào, hôm đó chúng tôi đã ở lại Sì Lở Lầu....
Dưới đây là một số hình ảnh về Sì Lở Lầu:
Phong cảnh Sì Lờ Lầu
Chiếc cầu tre nối liền hai nước Việt - Trung
Cảnh bán mua mộc mạc giản dị
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Cập nhật 28/9/2013
Hà Sơn
0 bình luận