LAI CHÂU TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NĂM 2023

LAI CHÂU TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NĂM 2023

Năm 2023, du lịch Lai Châu sẽ bứt phá để phát triển, từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu du lịch tỉnh tại khu vực và cả nước.

Bước tiến mới du lịch Lai Châu sau đại dịch

Năm 2022, đánh dấu bước chuyển mới của du lịch Lai Châu sau 02 năm đóng băng bởi đại dịch Covid-19, thực hiện chủ trương của Chính phủ mở cửa du lịch toàn diện để phục hồi và phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao trong phục hồi, phát triển du lịch. Ngành du lịch đã chủ động phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện/thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và nhân dân đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch; hoàn thiện, nâng cấp và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; khai trương và giới thiệu đến du khách và các hãng lữ hành một số sản phẩm và dịch vụ mới (trải nghiệm lòng hồ thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng, Vịnh Pá Khôm – huyện Than Uyên bằng trực thăng và phố đi bộ Hoàng Diệu - Tp. Lai Châu), tạo ra hệ thống sản phẩm liên hoàn tăng sức hấp dẫn đối với điểm đến Lai Châu; từng bước đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch địa phương tạo hiệu ứng thu hút khách tham quan và mở rộng thị trường khách du lịch khu vực phía nam thông qua các sự kiện: Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu, Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại thành phố Hồ Chí Minh. Với những nỗ lực trên, năm 2022 ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2022, du lịch Lai Châu đã đón và phục vụ 762.000 lượt khách (trong đó: khách quốc tế đạt 3.200 lượt) đạt hơn 203% so với năm 2021 và vượt kế hoạch giao 55,5%; Tổng doanh thu năm 2022 ước đạt 555,295 tỷ đồng, tăng hai lần so với năm 2021. Chính những con số đã khẳng định hiệu quả và sự phát triển bùng nổ du lịch Lai Châu trong bức tranh tổng thể Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

                                                                        Du khách đến với Sin Suối Hồ . Ảnh CTV

Giải pháp phát triển du lịch năm 2023

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, từng bước đưa Lai Châu thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc. Năm 2023, ngành du lịch Lai Châu cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau

Một là: Rà soát, củng cố, phát triển sản phẩm du lịch hiện có và nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới. Tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả sản phẩm sẵn có trên địa bàn 8 huyện, thành phố để tăng sức hấp dẫn, sự lựa chọn của khách du lịch khi đến Lai Châu. Đồng thời, rà soát, đánh giá chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch cộng đồng đang khai thác để tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021của BCH Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND tỉnh về ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 (trong đó: tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại 05 bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo, Sin Suối Hồ, Bản Thẳm, Sì Thâu Chải, San Thàng, đặc biệt phấn đấu đưa Sin Suối Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng ASEAN tạo ra sự khác biệt của du lịch Lai Châu trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” để thu hút khách du lịch và đưa Sin Suối Hồ trở thành mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng để giới thiệu đến các địa phương trong cả nước học học kinh nghiệm)

Ngoài ra, năm 2023 ngành du lịch Lai Châu tổ chức chương trình Famtrip đánh giá tính khả thi một số sản phẩm tiềm năng trên địa bàn 03 huyện (Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ) để từng bước phát triển sản phẩm du lịch mới, tăng giá trị trải nghiệm của du khách khi đến với Lai Châu.

Hai là: Đẩy mạnh việc sử dụng E-marketing trong công tác quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch. Từng bước thay thế các ấn phẩm quảng bá du lịch truyền thống (tờ rơi, tập gấp, cẩm nang, sách ảnh, bản đồ…) bằng các ấn phẩm điện tử thông qua việc tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet trong đó tập trung quảng bá điểm đến địa phương trên các trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, Twitter, Instagram, Amazing things in vietnam....; Tiếp tục nâng cấp cổng du lịch thông minh tỉnh Lai Châu sử dụng công nghệ 360 và công nghệ 3D, số hoá điểm du lịch cộng đồng và đỉnh núi; liên kết website du lịch Lai Châu với website Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các tỉnh tại khu vực và trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...để đặt logo hoặc banner tạo đường dẫn kết nối về website du lịch của tỉnh nhằm tối ưu hóa việc chuyển tải thông tin điểm đến du lịch Lai Châu đến các thị trường du lịch trọng điểm trong nước

Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2, VTV3, VTV4), Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC10, VTC14) xây dựng các video clip, các chương trình khám phá, trải nghiệm thực tế về điểm du lịch.

Ba là: Phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức các lp tập huấn kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOS cho đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và người dân. Ưu tiên đào tạo tại chỗ cho người dân bản địa, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch địa phương thông qua các các khóa tập huấn nghiệp vụ như: Kỹ năng giao tiếp, Poster, Homestay, Hướng dẫn viên du lịch tại điểm…

Bốn là: Tập trung đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Đầu tư địa điểm tổ chức hoạt động tìm hiểu văn hóa, thể thao dân tộc; cải tạo, sửa chữa nhà ở theo kiến trúc nhà ở truyền thống; xây dựng nhà vệ sinh cho các hộ kinh doanh dịch homestay và nhà vệ sinh công cộng; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc đường nội bản, đường dạo; cải tạp nâng cấp đường nội bản, đường dạo tại các bản: Sì Thâu Chải, San Thàng, Vàng Pheo và Bản Thẳm; tiếp tục đầu tư nâng cấp chợ đêm San Thàng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch lớn như: Khu du lịch sinh thái Vườn Địa Đàng, Khu du lịch thác Tắc Tình (huyện Tam Đường), Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng (huyện Tân Uyên); Tiếp tục thu hút các dự án có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, phát huy tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư các khách sạn, các khu resort nghỉ dưỡng từ 3 – 5 sao, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng quy mô, chất lượng cao.

Năm là: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Tp. Hồ Chí Minh; Lai Châu – Hà Nội; Lai Châu – Lào Cai.

                                                              Bản Vàng Pheo đón du khách quốc tế. Ảnh CTV

Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên. Năm 2023, du lịch Lai Châu sẽ bứt phá để phát triển, từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu du lịch tỉnh tại khu vực và cả nước.

                                                                             Bài: Hải Long

                                                                             Ảnh: CTV






Từ khoá:Lai Châu

0 bình luận

Viết bình luận của bạn