Phát huy giá trị ruộng bậc thang Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch

Phát huy giá trị ruộng bậc thang Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch

Sáng ngày 17/9, tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Giang đã chủ trì phối hợp cùng nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023.

Khu nghỉ dưỡng sinh thái Topas Ecolodge (Lào Cai) được National Geographic bình chọn là một trong 10 khu nghỉ dưỡng sinh thái đẹp nhất thế giới

Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải; cùng đại diện lãnh đạo UBND, các Sở quản lý du lịch 8 tỉnh Tây Bắc và các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch trong và ngoài nước...

Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch”

Vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái. Những địa phương này sở hữu tiềm năng du lịch to lớn với lịch sử lâu đời cùng sự tương đồng về văn hóa, cảnh quan thiên thiên kỳ vĩ đã tạo hệ thống sản phẩm du lịch liên vùng đa sắc màu văn hóa. Những năm qua, thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Đặc biệt, các cụm ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh cấp quốc gia với tổng diện tích nằm trong khoanh vùng bảo vệ là hơn 2.076ha; ruộng bậc thang tại Lai Châu hiện đã được phê duyệt nằm trong danh mục kiểm kê di sản và đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết phát triển du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc có vẻ đẹp độc đáo, kỳ vĩ, kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng cao. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang như: Xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết, cùng với sự phát triển của ngành Du lịch các tỉnh Tây Bắc, những năm gần đây, giá trị di sản ruộng bậc thang Tây Bắc ngày càng được phát huy, bảo tồn giữ gìn và khai thác theo hướng bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Sản phẩm du lịch từ ruộng bậc thang ngày càng trở thành sản phẩm chủ đạo, có thế mạnh, có sự đa dạng, kết hợp khai thác nhiều loại hình sản phẩm như: du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, di lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm thu hút đông đảo lượng khách du lịch và nhiều dự án đầu tư đến với các địa phương. Qua đó, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn.

Phó Chủ tịch Hoàng Gia Long nhấn mạnh: “Trong xu thế phát triển du lịch sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hành vi du lịch của du khách đã có nhiều dịch chuyển, hướng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, các sản phẩm đa trải nghiệm và chữa lành, hòa mình với thiên nhiên. Đây là cơ hội để các tỉnh vùng Tây Bắc đổi mới sản phẩm, thu hút du khách; các địa phương cần tạo ra cơ chế thống nhất trong phối hợp, xây dựng, hình thành những sản phẩm liên vùng có chất lượng, trọng tâm là về ruộng bậc thang”.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã ghi nhận sự chủ động, tích cực của UBND, Sở quản lý du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh trong việc tổ chức chương trình “Khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023” và Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch”. Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho rằng, các tỉnh Tây Bắc mở rộng cần tiếp tục phát huy sức mạnh của chương trình liên kết, tranh thủ cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Tập trung khai thác hệ thống ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có thương hiệu riêng trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường, giớithiệu các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao hướng tới sự chuyên nghiệp. Tăng cường kết nối các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác nhằm nâng cao khả năng thu hút khách du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, từng bước đưa vùng Tây Bắc mở rộng trở thành những điểm đến hấp dẫn, chất lượng hàng đầu trên bản đổ du lịch Việt Nam. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển bền vững ngành Du lịch Việt Nam nói chung, vùng Tây Bắc mở rộng nói riêng.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc và cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch Tây Bắc trong việc kết nối với các thị trường trọng điểm du lịch trong nước và quốc tế” - Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc khẳng định.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhóm Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023. Sản phẩm “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” sẽ kết nối Hà Nội - Phú Thọ - Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái) - Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Sản phẩm “Hùng vĩ Tây Bắc” sẽ kết nối Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Trước đó, trong các ngày từ 12-17/8, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” và “Hùng vĩ Tây Bắc”. Trong chương trình, đoàn đã tham quan, khảo sát các điểm du lịch, các điểm tham quan, thắng cảnh; trải nghiệm dịch vụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức đặc sản ẩm thực tại các địa phương đoàn đi qua.

Gia Khôi (http://www.tapchidulich.net.vn/)

0 bình luận

Viết bình luận của bạn