Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, cách thành phố Lai Châu khoảng 20 km, đỉnh núi Pu Ta Leng với độ cao 3.049 mét, được mệnh danh là một trong những nóc nhà của Đông Dương; đứng thứ 3, sau đỉnh Fansipan 3143 mét và đỉnh Pu Si Lung 3083 mét.
Pu Ta Leng hay Pú Tả Lèng (nghĩa là “đỉnh núi Tả Lèng” trong tiếng Dao) tọa lạc tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngọn núi ngạo nghễ giữa rừng rậm Tây Bắc này còn nguyên sơ hệ động thực vật phong phú, đa dạng và là điểm trekking mới nổi của hội "cuồng chân".
Rừng rậm trên đường lên đỉnh Pu Ta Leng
Đặc trưng đường lên Pu Ta Leng là lối đi trong rừng rậm cong queo đủ hình thù và hệ thống suối nước dày đặc. Rừng tại đây bao phủ toàn bộ ngọn núi, xen kẽ giữa rừng thường xanh, rừng tre, rừng phong.
Giới ưa xê dịch “đồn thổi” rằng, nếu Ky Quan San đặt ra thử thách vì độ khó cao, Tà Xùa có rừng rêu ma mị, Nhìu Cồ San hấp dẫn với những con thác hùng vĩ, thì trekkeing chọn Pu Ta Leng đơn giản vì nó có… tất cả.
Một đỉnh núi hoàn hảo, chiều lòng mọi nhà leo núi khó tính nhất cùng với thiên nhiên tươi đẹp, phong phú, lưu giữ nhiều vẻ nguyên sơ - không khó hiểu khi Pu Ta Leng từ lâu đã trở thành giấc mơ chinh phục của những người đam mê trekking.
Để đến được Pu Ta Leng, nếu xuất phát từ Hà Nội du khách dễ dàng bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình để đi TP Lai Châu hoặc có thể đi bằng phương tiện cá nhân. Sau đó, từ TP Lai Châu, du khách sẽ di chuyển đến bản Hồ Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường để bắt đầu cuộc hành trình.
Porter thông thuộc địa hình và có nhiều kỹ năng đi rừng sẽ là "trợ thủ" đắc lực cho du khách.
Hiện nay, có 4 cung đường khác nhau để chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, bắt đầu từ Hồ Thầu, Tả Lèng, Sì Thầu Chải và Giang Ma. Nhưng cho dù là con đường dễ đi nhất vẫn cần đến sự giúp sức của những người giàu kinh nghiệm ở địa phương. Những người dẫn đường này (gọi là porter) là người bản địa, thông thuộc địa hình và có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm đi rừng.
Trong số các lối lên đỉnh Pu Ta Leng, cung đường đi từ bản Xin Chải, xã Giang Ma và trở về bằng cung đường Tả Lèng là cung đường mới, theo các porter có thể đi được cả 4 mùa, đường đi không quá dốc nên phù hợp với nhiều du khách.
Tuy nhiên, hành trình trekking Pu Ta Leng bắt đầu tại xã Hồ Thầu và đích đến nằm ở xã Tả Lèng được nhiều người lựa chọn vì lối đi này có nhiều cảnh đẹp. Để hoàn thành chặng đường dài khoảng 34km, du khách phải đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh lớn với nhiều tầng lớp thực vật đa dạng. Những cây xanh ở khu rừng này hầu như đều bị rêu và địa y phủ kín.
Phút nghỉ ngơi giữa rừng.
Khởi hành tại điểm xã Hồ Thầu, để chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, du khách sẽ mất khoảng 3 ngày, 2 đêm và trải qua vô vàn các cung bậc cảm xúc.
Chặng đường đầu tiên, du khách sẽ đi qua những cánh rừng và những con suối chảy róc rách suốt ngày đêm. Khi thấm mệt, dừng chân bên dòng suối trong vắt để thư giãn, du khách có thể uống nước, tắm mát trên dòng suối và chụp lại những khoảnh khắc tuyệt vời làm kỷ niệm. Đến trưa, du khách sẽ nghỉ ngơi và dùng bữa trưa tại thung lũng thảo quả xanh mướt như ngọc.
Sau bữa trưa, du khách sẽ tiếp tục cuộc hành trình với những khám phá mới mẻ. Du khách có thể thả hồn theo biển mây hoặc ngắm những rừng cây cổ thụ bạt ngàn và quên đi cuộc sống bận rộn hàng ngày để hòa mình vào núi rừng, đại ngàn Tây Bắc.
Nhìn chung, chặng đường đầu tiên chưa mấy khó khăn vì dốc không quá cao. Tuy nhiên, vì cơ thể chưa kịp thích ứng nên có thể du khách sẽ mất khá nhiều sức. Lời khuyên từ những người có nhiều kinh nghiệm đưa ra là hãy đi chậm, hít thở đều để cơ thể quen với nhịp vận động.
Thảm rêu trên thân cây
Kết thúc ngày thứ nhất chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, đến độ cao khoảng 2.400m, du khách sẽ dừng lại, nghỉ ở lán gỗ của người dân. Sau một ngày leo núi, ngắm cảnh vật thiên nhiên với những điều hấp dẫn, mới lạ, du khách sẽ được dùng bữa tối do các poster chuẩn bị.
Du khách cũng có thể cùng các poster nấu các món ăn, hái rau rừng về luộc... Các món ăn độc đáo vùng cao như thịt lợn cắp nách quay, gà bản, cá suối nướng, thịt khun khói, khiến du khách thưởng thức một lần sẽ không bao giờ quên.
Ăn tối xong, mọi người cùng nhau ca hát và trải nghiệm một đêm se lạnh, không khí trong lành, bình yên mà ở những nơi phố phường không bao giờ có được.
Ngày thứ 2 tiếp tục cuộc hành trình, đường đi ngắn nhưng nhiều dốc cao. Từ độ cao 2.500m, du khách sẽ lạc vào rừng chè cổ thụ nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.
Để thích ứng với tình hình thời tiết lạnh và ẩm, trên mặt lá chè có lớp lông mỏng phủ ở trên và thân cây cũng được phủ đầy rêu. Chè cổ thụ là một loại chè đặc sản, quý hiếm, thường được người dân địa phương gọi là chè Tuyết Shan Pu Ta Leng.
Du khách check-in trên đỉnh Pu Ta Leng.
Lên đến độ cao 2.900m, du khách sẽ lạc vào "vườn cổ tích Pu Ta Leng" - cái tên do dân phượt đặt ra bởi rừng hoa đỗ quyên với các màu hồng, đỏ, trắng... Những cây đỗ quyên cổ thụ cao to, xòe tán sum suê đua nhau khoe sắc rực rỡ cả một vùng núi rừng.
Đỗ quyên nở hoa đẹp nhất vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Tuy nhiên, theo các poster, chinh phục đỉnh Pu Ta Leng mùa nào cũng có nét đẹp riêng. Vào mùa thu, rừng phong chuyển sang lá vàng, lá đỏ tuyệt đẹp sẽ khiến con đường chinh phục đỉnh Pu Ta Leng hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Lên đến đỉnh, một cảm xúc vỡ òa! Ở độ cao 3.049m, gió lạnh liên tục thổi, nhưng khung cảnh vô cùng tráng lệ. Đây là lúc du khách tranh thủ check-in để lưu giữ khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Đứng trên đỉnh Pu Ta Leng, du khách được ngắm nhìn biển mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh đầy nắng, gió. Từ đây, có thể nhìn thấy nhiều ngọn núi cao khác như đỉnh Bạch Mộc Nương Tử, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, thậm chí vào những ngày thời tiết đẹp, trời trong xanh có thể nhìn thấy cả đỉnh Phan Xi Păng...
Biển mây trên đỉnh Pu Ta Leng
Cũng chính từ việc lấy ý tưởng từ đỉnh Pu Ta Leng, tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều giải dù lượn trong nước và quốc tế với các chủ đề khác nhau, trong đó có chủ đề "Bay lên đỉnh Pu Ta Leng"...
Sau khi ngắm cảnh, nghỉ ngơi thỏa thích trên đỉnh núi, du khách bắt đầu hành trình xuống núi. Con đường trở về dễ đi hơn vì chủ yếu là xuống dốc. Trên đường trở về, điểm dừng nghỉ của du khách là khu nhà lán ở độ cao 1800m.
Sau một đêm nghỉ ngơi lấy sức ở lán nghỉ, trekker sẽ tiếp tục hành trình. Những cánh rừng già cổ thụ thân cây được rêu mốc phủ xanh vẫn quấn quýt trên đường. Rất nhanh, du khách xuống đến chân núi và chợt nhận ra rằng, chinh phục Pu Ta Leng không dễ, nhưng độ thách thức là vừa đủ để bạn khám phá giới hạn bản thân mà vẫn có thể “chill chill” trong suốt chuyến đi.
Các poster khuyên rằng, trước khi trekking Pu Ta Leng, du khách cần chuẩn bị về thể lực và tâm lý sống trong rừng vài ba ngày với nhiều thử thách cần vượt qua.
Đồ đạc cho chuyến đi, bên cạnh túi ngủ và lều trại cần có thêm quần áo ấm, giày chuyên dùng để trekking, giày chống nước để sử dụng khi qua suối. Thực phẩm và nước uống cần được chuẩn để đảm bảo sức khoẻ cho suốt hành trình. Ngoài ra, du khách cần trang bị các dụng cụ khác, như: đèn pin, thuốc và đồ sơ cứu, thuốc chống muỗi, côn trùng...
N.Minh
0 bình luận