Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Đà Nẵng với các hoạt động đặc sắc, đã tạo ấn tượng mạnh với với người dân Đà Nẵng và du khách.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2024 đang diễn ra tại TP Đà Nẵng (từ ngày 22 đến 24/11), nhiều hoạt động mang đậm nét nghệ thuật đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống của các dân tộc Lai Châu đã được trình diễn, thu hút sự quan tâm từ người dân và du khách.
Ngay trong đêm khai mạc, Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ" đã để lại cho du khách những ấn tượng tốt đẹp.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trình diễn tại lễ khai mạc. Ảnh: Đ.Thiệu
Tại chương trình, người dân Đà Nẵng và du khách đã theo chân những chàng trai, cô gái là những “bông hoa của núi rừng” để hòa mình vào không khí sôi động, hấp dẫn của sắc màu thổ cẩm, của trống, của chiêng và những vũ điệu riêng có của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì thể hiện.
Trong ngày 23/11, tại công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng tiếp tục diễn ra các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa, văn nghệ. Người dân thành phố Đà Nẵng và khách du lịch được thưởng thức màn trình diễn xoè chiêng, múa xoè, múa sạp, hát then - đàn tính dân tộc Thái, múa khèn, làm khèn dân tộc Mông.
Các hoạt động được tổ chức tại không gian văn hóa các dân tộc Mông, Thái, Lự, Hà Nhì và không gian giới thiệu trang phục truyền thống, vật dụng, tài liệu của 20 dân tộc tỉnh Lai Châu.
Du khách trải nghiệm giã bánh dày và thưởng thức bánh dày truyền thống. Ảnh: B.Lâm
Trong suốt 3 ngày diễn ra sự kiện, tại khu vực công viên phía Bắc Cầu Rồng, tỉnh Lai Châu bố trí mặt bằng gần 420m2 để tái hiện các không gian trưng, giới thiệu văn hoá, du lịch, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đến với không gian này, du khách có những trải nghiệm ấn tượng bởi những hình ảnh quảng bá về tỉnh Lai Châu; được tham gia các hoạt động giao lưu và trình diễn những nghề thủ công truyền thống đặc sắc.
Đó là các cô gái người Lự biểu diễn kỹ năng dệt trang phục truyền thống hay hoạt động giã bánh dày truyền thống. Du khách được thưởng thức trực tiếp bánh dày vừa “ra lò” hoặc có cơ hội trải nghiệm kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong.
Du khách cũng được cung cấp nhiều thông tin về sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề tiêu biểu; được cập nhật những thông tin về điểm đến Lai Châu, nhận các ấn phẩm giới thiệu du lịch Lai Châu và chiêm ngưỡng hàng trăm bức ảnh đẹp về miền đất, thiên nhiên, văn hóa và con người Lai Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải chia sẻ, việc tỉnh Lai Châu tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tại TP Đà Nẵng với mong muốn giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến với đông đảo nhân dân và du khách miền Trung.
Phụ nữ dân tộc Lự trình diễn dệt trang phục truyền thống. Ảnh: B.Lâm
Theo ông Tống Thanh Hải, Lai Châu làm “say” lòng người không chỉ bởi sự hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn bởi sự hồn hậu, chất phác, hiếu khách của cộng đồng 20 dân tộc sinh tụ trên mảnh đất biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Ông Tống Thanh Hải cho biết thêm, xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một chương trình trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng mục tiêu đón trên 2 triệu lượt khách vào năm 2030, thời gian qua Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu phân khúc thị trường khách cao cấp.
Trong đó, nổi bật là khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời Ô Quý Hồ, Pusamcap - khu hang động được mệnh danh “Tây Bắc đệ nhất động”. Tỉnh cũng xây dựng điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải…
“Sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng năm 2024 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, chắc chắn sẽ đem đến cho quý vị những trải nghiệm ấn tượng”, ông Tống Thanh Hải nhấn mạnh.
Du khách nước ngoài xem trưng bày ảnh đẹp về miền đất, thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu. Ảnh: B.Lâm
Còn theo ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc VHTT&DL tỉnh Lai Châu, với sự khác biệt về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên, truyền thống văn hóa của các dân tộc, tỉnh Lai Châu tự tin có thể thu hút được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp du lịch từ Đà Nẵng.
“Chúng tôi quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch hiện có của Lai Châu, qua đó sẽ kết nối được các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ của tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng cũng như trong cả nước để xây dựng những tour tuyến đưa du khách đến với Lai Châu”, ông Kháng chia sẻ.
Hồng Nguyên
0 bình luận