Lai châu là quê hương của 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều lễ hội đặc sắc như: lễ hội Tú Tỉ, Then Kin Pang, lễ hội Nàng Han, lễ hội Gàu Tào Cha...những di tích lịch sử như: Bia Lê Lợi, bản Lướt, Di chỉ khảo cổ Nậm Tun...đã mang lại những giá trị về văn hóa tinh thần. Bên cạnh phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, canh tác hàng ngày của ngươi dân rất đa dạng, phong phú, chưa bị mai một, còn mang đậm nét văn hóa của địa phương đó là những điệu múa, lời hát với trang phục đặc sắc, là những lễ nghi truyền thống, các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc trong các lễ hội tại các bản làng...đã tạo nên sự gắn kêt cộng đồng, là tài nguyên di sản vô giá để phát triển du lịch cộng đồng, loại hình du lịch có sức hút lớn đối với mọi du khách đặc biệt là du khách quốc tế.
Biểu diễn văn nghệ tại bản Sin Suối Hồ
Hoạt động du lịch ngoài việc phát triển kinh tế ở Lai Châu còn có tác động đối việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây khách du lịch thường thích tìm đến những nơi có nét văn hóa truyền thống, thích thưởng thức những món ăn dân dã và đặc biệt thích tìm hiểu về những phong tục tập quán của các dân tộc ít người. Chính vì vậy, du lịch Lai Châu trong nhưng năm qua đã thu hút một lượng lớn du khách tới tìm hiểu, khám phá. Trên cơ sở đó hoạt động du lịch đã có ảnh hưởng tích cực đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Điển hình là ở Lai Châu đã xây dựng được các tour du lịch hấp dẫn để tham quan tìm hiểu bản làng văn hóa các dân tộc như: Bản Thẳm, Bản Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải, Gia Khâu, Vàng Pheo...để quảng bá hình ảnh văn hóa, con người nơi khách tới tham quan, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào địa phương.
Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều quan tâm đến vấn đề giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc cụ thể như chương trình phát triển Văn hóa gắn với Du lịch, Chương trình xây dựng các làng, thôn bản văn hóa du lịch tiêu biểu găn với xây dựng nông thôn mới...là điều kiện để làm sống dậy mọi tiềm năng văn hóa, xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch, ngăn chặn và chấm dứt các hiện tượng làm phá vỡ cảnh quan du lịch, đập ngũ đá trong các hang động, tổ chức các lễ hội tiết kiệm, lành mạnh. Đến nay tỉnh đã có nhiều di sản được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Bia Lê Lợi, Dinh thự Đèo Văn Long, Miếu Nàng Han...Trong thời gian tới Sở VHTT&DL Lai Châu sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá lập hồ sơ để trình Bộ VHTT&DL công nhận thêm nhiều di sản ở tất cả các lĩnh vực và cấp độ góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch Lai Châu.
Lễ cúng "Đoong Xía" trong lễ hội Tú Tỉ (Sang Thàng)
Để việc phát triển du lịch gắn với vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, ngành văn hóa Lai Châu cần chú trọng hơn nữa công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và di tích lịch sử, quan tâm đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương - chủ nhân của văn hóa và di tích có quyền làm chủ. Từng bước tham gia công tác bảo vệ, quản lý và nhận được lợi ích kinh tế do du lịch tạo ra từ việc khai thác các giá trị văn hóa và di tích lịch sử. Đẩy mạnh quảng bá trên các kênh thông tin để bạn bè, du khách trong và ngoài nước được biết đến Lai Châu - vùng đát giàu bản sắc văn hóa các dân tộc mà nhiều người còn chưa biết tới. Phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng hệ thống du lịch cộng đồng ở các bản làng một cách đồng bộ và khoa học để những hoạt động này nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng.
Bảo tồn tích cực các giá trị văn hóa và di tích lịch sử vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vừa giảm thiểu sự hủy hoại do thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt và giảm thiểu những mặt trái của công cuộc toàn cầu hóa, thị trường hóa. Tỉnh Lai Châu luôn xác định để phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhiệm vụ đặt ra không chỉ cho ngành VHTT&DL mà là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và đồng bào nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hy vọng các giá trị văn hóa và hệ thống các di tích lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên sẽ từng bước phát huy lợi thế để thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh Lai Châu phát triển mạnh mẽ và bền vững./.
Diễm Loan
0 bình luận