Check in 'sống ảo' ở Than Uyên (Lai Châu)

Check in 'sống ảo' ở Than Uyên (Lai Châu)

Với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, Than Uyên (Lai Châu) có những điểm du lịch, điểm check in rất “ảo”, được ví như “góc trời Châu Âu”.

1. Huyện Than Uyên nằm ở một thung lũng lớn khép kín giữa hai ngọn núi Púng Luông và Hoàng Liên Sơn, cách thành phố Lai Châu khoảng 100km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 300km.

Than Uyên sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có giá trị để khai thác phát triển du lịch như: Hang Che Bó - một quần thể hang động nằm sâu trong lòng núi dài gần 750 km; quần thể thắng cảnh Ta Gia; cảnh quan Vịnh Pá Khôm, khu vực Tà Mung… Xung quanh hồ thuỷ điện Bản Chát, Huổi Quảng là những cánh rừng già tự nhiên, dòng Nậm Mu đến những dãy núi đá vôi trắng xóa…

Du khách check in đồi thông Than Uyên. Ảnh: TL

Không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, Than Uyên còn được biết đến là nơi sinh sống của 10 dân tộc, chính điều đó đã tạo lên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú.

Du khách sẽ bắt gặp ở Than Uyên những bản làng mang đậm nét văn hoá truyền thống của các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… cùng những món ăn độc đáo của đồng bào vùng cao…

Đến Than Uyên, du khách vẫn thường rỉ tai nhau rằng, nhất định phải tới đèo Khau Cọ. Đây là cung đường đẹp mở ra bức tranh thiên nhiên với các gam màu tươi mát; du khách sẽ có những trải nghiệm chinh phục thú vị và được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Bên cạnh đó, cánh đồng Mường Than rộng lớn mênh mông, đẹp thứ 3 ở khu vực Tây Bắc theo câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ.

Với diện tích khoảng 2.000 ha, thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng Mường Than là các tháng 7, 8, 9 hàng năm. Lúc này, đã vào mùa lúa chín, những cánh đồng lúa mênh mông dưới nắng vàng, khung cảnh với cảnh sắc thôn dã trông thật hữu tình, hớp hồn du khách.

Cánh đồng Mường Than mùa lúa chín. Ảnh: TL

Trong lộ trình của mình, du khách cũng có thể ghé thăm làng cá Thẩm Phé. Đây là khu vực nhà bè nuôi cá trên lòng hồ thủy điện của người dân xã Mường Kim. Cá tươi được bắt lên từ bè, chế biến trực tiếp phục vụ du khách thưởng thức.

Nói đến ẩm thực Than Uyên thì những món ăn dân dã, độc đáo như: Pa pỉnh tộp (cá nướng), nhứa giảng (thịt trâu hun khói), trâu nhúng mẻ, trâu xào, nộm bì trâu chua… cùng với các loại rau rừng được chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng và tốt cho sức khỏe.

2. Với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, giờ đây Than Uyên đã có nhiều điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm hấp dẫn. Trong số này phải kể đến Đồi thông Than Uyên và Lovehill ở thị trấn Than Uyên.

Khu du lịch sinh thái Đồi thông Than Uyên nằm ngay cạnh trung tâm thị trấn, được ví như một Đà Lạt thu nhỏ, mộng mơ, nên thơ nhờ cái se lạnh của độ cao, sương mù buổi sớm. Đứng từ đây, du khách có thể quan sát toàn bộ thị trấn Than Uyên xinh đẹp, thơ mộng với điểm view thoáng đãng.

Đồi thông được giới trẻ yêu thích bởi có những điểm check in rất “ảo”, được ví như “góc trời châu Âu” để lưu giữ những khoảnh khắc đáng yêu. Ngoài ra, với diện tích rộng, đồi thông còn là địa điểm phù hợp cho các gia đình, hội, nhóm tổ chức ăn uống ngoài trời kết hợp nghỉ dưỡng tại các chòi lá.

Cảnh quan núi rừng Lai Châu nhìn từ đèo Khau Cọ. Ảnh: TL

Còn Love Hill lại thu hút du khách bởi không gian lãng mạn, đẹp như vườn cổ tích. Những ngôi nhà 2 tầng màu đỏ san sát nhau nổi bật giữa cánh đồng lúa và vườn hoa, cây xanh với đầy đủ tiện nghi sang trọng để du khách nghỉ dưỡng.

Ở Love  Hill còn có cầu tình yêu, cầu thang lên trời; nhà sàn cộng đồng trang trí theo lối cổ điển kết hợp với văn hoá đặc sắc của các dân tộc để du khách chụp ảnh lưu niệm.

Theo ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện Than Uyên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát huy nội lực trong nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư làm du lịch trên địa bàn; tạo điều kiện, khuyến khích các hộ dân có điều kiện xây dựng các điểm du lịch, phục vụ du khách.

Hơn 3 năm qua, từ định hướng của huyện, các xã: Mường Kim, Ta Gia, Pha Mu đã thúc đẩy phát triển mạnh du lịch lòng hồ; khuyến khích nhân dân đầu tư thuyền, tạo dựng cảnh quan quanh khu vực lòng hồ để hấp dẫn khách du lịch.

Hiện nay, tại bản Thẩm Phé (xã Mường Kim), vịnh Ta Gia (xã Ta Gia), các dịch vụ tham quan du lịch lòng hồ, thăm hang động kết hợp dịch vụ ăn uống, giao lưu văn nghệ với đồng bào dân tộc đã khá phát triển. Ở Vịnh Pá Khôm, ngoài dịch vụ ăn uống, nghỉ cộng đồng, còn thu hút du khách với những trò chơi mạo hiểm trên lòng hồ.

3. Bà Lương Thị Tý, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Than Uyên cho biết, hàng năm, huyện duy trì tổ chức, phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Lùng Tùng, Kin Pang, Hạn Khuổng, Xoè Chiêng của người Thái, Mừng cơm mới của  người Khơ Mú.Lam nhọ là món ăn đặc sắc của người Thái ở Than Uyên. Món ăn này được chế biến từ thịt bò hoặc thịt trâu. Ảnh: TL

Ngoài ra, Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện thường tổ chức vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú: Trình diễn lễ hội, thi văn nghệ, ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thế thao, trưng bày không gian văn hoá 4 dân tộc tiêu biểu của huyện, để du khách trải nghiệm, thưởng thức nét văn hoá độc đáo của các dân tộc bản địa.

Thế Vũ(Báo nhà báo và công luận)

 

 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn