Lai Châu: Gần 20 năm phát triển ngành “công nghiệp không khói”

Lai Châu: Gần 20 năm phát triển ngành “công nghiệp không khói”

“Văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, con người hiền hòa và mến khách” là những ngôn từ ngắn gọn dùng để miêu tả về Lai Châu - mảnh đất nơi ven trời Tây Bắc. Và đó cũng chính là những điều kiện thuận lợi để Lai Châu đẩy mạnh khai thác phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp với cộng đồng và nghiên cứu văn hóa, thể thao mạo hiểm … đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc khu vực Tây Bắc.

Trải nghiệm sản phẩm du lịch Dù lượn tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải

Ngày 03/6/2004 Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Lai Châu. Từ đó, du lịch Lai Châu được thành lập và đi vào hoạt động. Năm 2008 thực hiện Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 22/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, ngành Du lịch chuyển về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Mặc dù có xuất phát điểm thấp so với khu vực và cả nước nhưng với sự nỗ lực của toàn tỉnh, toàn ngành đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch. Đến nay, Du lịch Lai Châu đã có bước phát triển mới, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Theo thống kê, năm 2004, Lai Châu đón và phục vụ được 45.126 lượt khách(trong đó khách quốc tế chỉ đạt 1.980 lượt), tổng doanh thu từ hoạt động du lịch chỉ đạt 27,72 tỷ thì đến năm 2023, tỉnh đón gấp gần 18,2 lần với 820.000 lượt khách (tăng gấp 18,2 lần so với năm 2004), danh thu từ du lịch đạt trên 630 tỷ đồng (tăng gấp 22,7 lần so với năm 2004).

Khách du lịch Checkin tại Đèo gió

Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Nếu năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 56 cơ sở lưu trú với tổng số 230 phòng, công suất sử dụng phòng chỉ đạt 30% thì đến nay, toàn tỉnh đã có trên 133 cơ sở lưu trú (trong đó: 33 khách sạn từ 1 đến 3 sao và 01 khách sạn 5 sao với 1.153 phòng) , công suất sử dụng phòng đạt trên 63% và 145 nhà hàng đạt tiêu chuẩn. Từ chỗ là địa phương không có đơn vị lữ hành (trước năm 2013) thì đến nay đã có 4 đơn vị lữ hành (2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế) đang hoạt động. Nguồn nhân lực du lịch ngày càng gia tăng về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách trong giai đoạn hiện nay. Năm 2004, tổng số lao động trong ngành Du lịch chỉ có 315 người, đến nay trên toàn tỉnh có gần 6.000 người (trong đó có trên 1.500 lao động trực tiếp).

Bên cạnh đó, công tác Quản lý nhà nước về du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách “mở”, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển du lịch như: Chương trình hành động số 16-CTr/TU việc thực hiện Nghị Quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết khu di tích danh thắng Pusamcap; Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 11/12/2019; Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 14/01/2020 về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới gắn du lịch nông thôn tại 11 bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND tỉnh về ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 4294/KH-UBND ngày 15/11/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu…

Săn mây trên đỉnh Lao Tỷ Phùng

Cơ sở hạ tầng giao thông và vật chất kỹ thuật du lịch đã được quan tâm, đầu tư. Lai Châu đã cải tạo, nâng cấp đường giao thông điểm du lịch thị trấn Sìn Hồ, Đường du lịch Vàng Pheo - Nà Củng - huyện Phong Thổ, hạ tầng kỹ thuật, đường đến khu sinh thái và quần thể hang động Pusamcap – thành phố Lai Châu); tiếp tục triển khai 02 dự án (Hạ tầng khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ, hạ tầng kỹ thuật và cải tạo mặt bằng bản Văn hóa Mường So - huyện Phong Thổ); thu hút nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư 03 dự án du lịch quy mô (Khu du lịch suối nước nóng Vàng Pó - huyện Phong Thổ, khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, khu du lịch sinh thái kết hợp trồng hoa, cây ăn quả ôn đới - huyện Tam Đường)...

Cùng với đó, công tác liên kết phát triển du lịch được mở rộng. Tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và khai thác thành công tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc; liên kết với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châuhình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà; liên kết với tỉnh Lào Cai phát triển tuyến du lịch Sàng Ma Sáo - Bát Xát - Lào Cai - Sin Suối Hồ-  Phong Thổ - Lai Châu; liên kết với các trung tâm du lịch lớn như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.... Bên cạnh đó, tỉnh còn thu hút các đơn vị lữ hành như: Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel, Sapa GreenTravel,Đường Mòn Á Châu, Du lịch Sapa Xanh, Đại Việt...nhằm đưa khách du lịch đến Lai Châu.

Hình ảnh điểm đến Lai Châu ngày càng được quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế, thông qua hoạt độngquảng bá, xúc tiến với việc gắn kết các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương, trên các website du lịch, cổng du lịch thông minh tỉnh Lai Châu; các kênh truyền hình, báo in, báo điện tử, tạp chí uy tín; hệ thống các trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, TikTok, AmazingThings in Vietnam...; tăng cường hoạt động giao lưu, xúc tiến, kết nối, mở rộng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế tại các chương trình, chuỗi sự kiện thường niên tại khu vực và cả nước như: Festival “Tinh hoa Tây Bắc”; Tuần Du lịch – Văn hóa Tây Bắc tại thành phố Cần Thơ; Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Hà Nội; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE – Tp. Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Tây Bắc

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Với định hướng sớm đưa “Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực tây Bắc”, ngành du lịch đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Phấn đấu năm 2025, đón khoảng 1 triệu lượt khách, đến năm 2023 đón khoảng 2 triệu lượt khách (trong đó có 50 nghìn lượt khách quốc tế). Tập trung nguồn lực thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Lai Châu. Tiếp tục phát triển loại hình du lịch thế mạnh như: du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục các đỉnh cao, du lịch sinh thái nghỉ dương và chăm sóc sức khỏe.

Với thành tựu đạt được và những mục tiêu cụ thể đặt ra trong thời gian tới, chắc chắn tương lai “Lai Châu sẽ là điểm đến mới hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc”, góp phần vào sự phát của tỉnh Lai Châu nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung.

Bài: Thoa Đồng - Ảnh: CTV

0 bình luận

Viết bình luận của bạn