Nghề dệt truyền thống của người Lự sẽ xuất hiện tại Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Thành phố Đà Nẵng

Nghề dệt truyền thống của người Lự sẽ xuất hiện tại Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Thành phố Đà Nẵng

Không chỉ nỗ lực bảo tồn nghề dệt truyền thống, tỉnh Lai Châu tự hào mang những trang phục thổ cẩm của người Lự đến trưng bày, giới thiệu tại Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Thành phố Đà Nẵng.

Khám phá

Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng là hoạt động quan trọng để mở rộng hợp tác phát triển du lịch tỉnh Lai Châu và Đà Nẵng năm 2024. Đây cũng là dịp tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của các sản phẩm - dịch vụ du lịch, điểm đến tiêu biểu; các cơ chế chính sách và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch Lai Châu. Đồng thời, thảo luận trao đổi các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Đà Nẵng lan rộng hơn trên nhiều phân khúc thị trường, đảm bảo các sản phẩm - dịch vụ du lịch có chất lượng cao, đưa khách trong nước và quốc tế đến với Lai Châu thường xuyên hơn.

Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Thành phố Đà Nẵng diễn ra từ ngày 22/11 đến hết ngày 24/11/2024 tại Công viên bờ Đông Cầu Rồng, Quận Sơn Trà. Xuyên suốt 3 ngày diễn ra sự kiện, tỉnh Lai Châu sẽ mang đến cho du khách trong nước và quốc tế các hoạt động đặc sắc xoay quanh chủ đề "Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ".

Đặc biệt trong sự kiện của Tuần lễ, tỉnh Lai Châu sẽ giới thiệu đến du khách những trang phục truyền thống được dệt bởi đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Lự.

Phụ nữ dân tộc Lự trình diễn nghề dệt vải truyền thống tại Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ I, Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023. (Ảnh minh hoạ: báo Lai Châu)

Từ bao đời nay, người Lự (huyện Tam Đường, Lai Châu) coi nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm hay những bộ trang phục độc đáo thì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay người phụ nữ Lự như: Trồng bông, nhặt bông, bật bông, xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm, cắt vải và thêu hoa văn...

Phụ nữ dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường - Lai Châu lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Khắc Kiên /VOV - Tây Bắc

Theo già làng người Lự, nghề dệt thổ cẩm gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Lự từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa dân tộc Lự. Để tạo ra sản phẩm thổ cẩm hay những bộ trang phục độc đáo thì cần trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay của phụ nữ Lự: Trồng bông, nhặt bông, bật bông, xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm, cắt vải theo kích cỡ người mặc và thêu hoa văn...

Vào tháng 3 - 4 hàng năm, người Lự bắt đầu trồng bông, đến tháng 9 - 10 thu hoạch bông. Bông được mang về tuốt ra cho bật bông rồi đem xe sợi, sau đó mắc vào khung cửu để dệt thành vải.

Sau công đoạn dệt vải, chị em phụ nữ Lự sẽ lấy vải đó đi nhuộm chàm thành màu xanh than, đen hoặc nâu. Vải lên được màu đẹp hay không sẽ phụ thuộc khá lớn vào yếu tố thời tiết. Nếu gặp trời nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3 - 4 ngày là có thể nhuộm, phơi khô. Còn nếu gặp trời mưa, phơi lâu khô, khoảng thời gian này có thể kéo dài đến cả tháng.

Muốn nước chàm ngấm vào sợi, cần bóp mạnh, đều tay khoảng 30 phút, sau đó vớt ra khô, đập và giặt sạch với nước vôi rồi phơi. Phơi vải tưởng đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng nhất trong quá trình nhuộm vải. Quá trình phơi phải lật thường xuyên để vải khô đều thì màu mới lên đẹp và không bị vệt xấu.

Khi vải thành phẩm sẽ được đem đi cắt theo kích thước cơ thể người rồi tiến hành thêu hoa văn với nhiều hình thù khác nhau cùng những gam màu sắc sỡ tạo nên điểm nhấn, sự độc đáo. Công đoạn cuối cùng là ghép từng mảnh vải lại với nhau rồi khâu tay tạo thành những chiếc áo, chiếc váy xinh đẹp.

Các sản phẩm dệt của người Lự không chỉ mang hơi thở của bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có lợi cho sức khỏe khi vải được dệt bằng nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu, có khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt giúp cơ thể người mặc luôn khô thoáng.

Ngoài ra, nghề dệt vải thổ cẩm cũng tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Được biết, mỗi bộ váy áo được bán ra với mức giá từ 5 - 6 triệu đồng, mỗi năm mỗi người phụ nữ bán được khoảng 2 bộ váy áo, tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Đến với không gian giới thiệu Văn hoá tỉnh Lai Châu tại Đà Nẵng, du khách sẽ được các nghệ nhân dân tộc Lự hướng dẫn để trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Lự (ảnh minh hoạ)

Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Thành phố Đà Nẵng, những bộ trang phục của người dân tộc Lự xuất hiện trong không gian trưng bày của tỉnh Lai Châu. Hứa hẹn sẽ mang đến du khách những trải nghiệm có 1 - 0 - 2.

H. Trang 

 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn