Bảo tồn nghề rèn thủ công truyền thống trong phát triển du lịch

    Trong đời sống của đồng bào người Dao ở bản Tả Phìn có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con vùng cao nơi đây.

    Xã Tả Phìn có hơn 500 hộ dân, chủ yếu là người Dao và người Mông. Gia đình anh Tẩn A Xoang ở bản Tả Phìn là một trong số những hộ gia đình người Dao còn giữ được nghề rèn truyền thống. Bên lò rèn đang đỏ lửa, anh Xoang chia sẻ về nghề của mình: Công việc đầu tiên của người thợ rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Khác với lò của người dưới xuôi, lò của người Dao được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào, than để đốt không phải là than đá mà được đốt bằng than của một loại gỗ ở trong rừng. Làm rèn phải theo một quy trình và cần có hai người, một người kéo bơm gió (kéo bễ) để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn, khi rèn cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập, sắt nguội lại cho vào lò nung, rồi đập tạo hình, mài…, cứ như thế cho đến khi tạo ra được sản phẩm vừa ý.

    Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc, làm nắm cầm...Và dường như những công đoạn ấy đã “ngấm vào máu”, nên chẳng ai bảo ai mà vẫn làm nhanh thoăn thoắt. Anh Xoang cho biết thêm, Đây là một nghề truyền thống đã gắn bó với người Dao từ bao đời. Do tập quán người Dao thích ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn nên họ thỉnh thoảng mới xuống chợ, những dụng cụ lao động đều do họ tự làm, tự đúc để tiết kiệm chi phí, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, đồng thời tăng thêm thu nhập cho gia đình. 

    Với các lò rèn ở đây, các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn thủ công; từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm... tất cả đều chỉ bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. Nhưng chính vì thế mà những sản phẩm ở đây làm ra có độ tinh xảo và bền hơn. Đặc biệt, vì làm thủ công nên nó đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân, từ làm mới các sản phẩm đến sửa chữa những đồ dùng cũ bị hỏng hóc. Hầu hết các sản phẩm làm ra được bà con trong xã, bản đến mua hết, mỗi con dao quắm anh bán 150.000 đồng, dao nhọn 50.000 đồng, còn lưỡi cày hay dụng cụ khác ông vẫn làm khi có người đặt…

Để làm được nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Dao. Cũng đã có nhiều người đến nhà anh Xoang xin được học nghề nhưng rất ít người có thể học được nghề rèn. Hiện nay, trên địa bàn xã Tả Phìn không còn nhiều những gia đình còn theo nghề rèn, một phần do thất truyền còn phần lớn hiện nay khi các công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại đã được áp dụng phổ biến, những vật dụng sẵn có bán nhiều ngoài chợ, nghề rèn thủ công bị bó hẹp trong giới hạn chỉ mang tính tự cung tự cấp dụng cụ lao động phổ thông trong mỗi gia đình. Đó cũng là nỗi trăn trở của anh Xoang và những người thợ rèn ở Tả Phìn.


    Trong những năm qua, việc bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống, nhất là nghề rèn truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm làm ra vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi mà chỉ phục vụ cho nhu cầu bà con trong xã là chủ yếu. Một vấn đề nữa là nghề rèn của người Dao chủ yếu tồn tại theo kiểu “cha truyền con nối”. Việc bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống của người Dao rất có ý nghĩa, góp phần thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu khám phá mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc./.

Tẩn Phù

0 bình luận

Viết bình luận của bạn