Quả còn được làm bằng vải, những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc với ý nghĩa thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải cùng biểu thị của sự cầu mong nảy nở sinh sôi. Dây còn cũng được khâu bằng vải, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn, bốn góc của còn được đính thêm các tua vải nhiều màu trông khá đẹp mắt và cũng giúp quả còn định hướng khi được tung lên. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn một mặt dán giấy đỏ biểu tượng cho mặt trời mặt kia dán giấy vàng biểu tượng cho mặt trăng, cũng có thể hiểu cả hai mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái.
Người Thái ở Lai Châu thường chơi ném còn với hai cách thức hoặc là lập ra một tổ trọng tài quy định cách thức chơi, sau đó các đội thi đấu xem bên nào ném được nhiều quả còn chui qua vòng hơn thì đội đó sẽ thắng. Hoặc là chơi theo cách thứ hai, cách này thường dành cho các nam thanh, nữ tú, chơi như một hình thức giao duyên, khi đó đội nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội ném còn đã có nhiều đôi trở thành chồng, thành vợ của nhau.
Trò chơi ném Còn mang đậm nét văn hóa Thái, vừa mang tính thể thao lại vừa vui nhộn rất dễ làm người theo dõi trò chơi cũng muốn nhập cuộc. Một trong những sự kiện tôn vinh nét đẹp của trò chơi này là ngày hội “Ném Còn ba nước Đông Dương” sẽ được tổ chức năm 2017 nằm trong chương trình năm du lịch quốc gia Lào Cai – Tây Bắc với ý nghĩa giao lưu, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc trong khu vực.
Nếu du khách có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu vào những ngày đầu xuân hay các dịp lễ hội như Kin lẩu mẩu khẩu diễn ra vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch) hàng năm hay lễ hội cơm mới diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 10 thì đừng quên trải nghiệm một trò chơi đầy thú vị này.
Bài: Thanh Huyền - Ảnh: CTV
0 bình luận