Đó là khẳng định của ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu về định hướng phát triển du lịch của Lai Châu, mảnh đất vẫn được biết đến với những ngọn núi hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao.
Tạo hóa đã ban tặng cho Lai Châu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp để phát triển du lịch. |
Tiềm năng có thừa, nhưng chưa được khai thác xứng tầm
Nhắc đến Lai Châu, nhiều người sẽ nhớ ngay đến vùng đất có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và cũng là một mảnh đất giàu bản sắc văn hóa của 20 dân tộc anh em. Khi đặt chân tới thiên đường leo núi, những người yêu thích thể thao mạo hiểm sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm dù lượn và chinh phục các đỉnh thuộc Top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Pu Si Lung (3.083m), Pu Ta Leng (3.049m), Bạc Mộc Lương Tử (3.046m), Phàn Liên San (3.012m), Tả Liên Sơn (2.996m) hay Pờ Ma Lung (2.967m).
Quần thể các hang động kỳ vĩ như Tiên Sơn, Ông Tiên, Gia Khâu và đệ nhất động Tây Bắc, Pusamcap cũng là những địa điểm mà du khách đam mê khám phá không thể bỏ qua khi đặt chân đến Lai Châu. Bên cạnh đó, mảnh đất địa đầu Tổ quốc còn có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp khác như đèo Ô Quy Hồ, thác Tác Tình, đồi chè Tân Uyên, cao nguyên Sìn Hồ, cánh đồng Mường Than…; Các di tích lịch sử như di chỉ khảo cổ học Nậm Tun, địa điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ, dinh thự Đèo Văn Long, hang Kháng chiến Nà Củng, đền thờ Nàng Han…
Sản vật thiên nhiên cùng ẩm thực phong phú là một lợi thế khác để Lai Châu đẩy mạnh phát triển du lịch. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng trời ban cùng bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo ra nhiều đặc sản hấp dẫn như mắc khén, hạt dổi, mật ong rừng, chè Tam Đường, lợn cắp nách, thịt lợn gác bếp, lam nhọ, trứng kiến, cá bống vùi do, xôi tím, miến dong Bình Lư, rượu ngô Sùng Phài… Không chỉ là những món ăn ngon, ẩm thực nơi đây còn chứa đựng cả tâm tình của người Tây Bắc với hương vị núi rừng không thể nào quên. Du khách có thể dễ dàng khám phá nét độc đáo của ẩm thực Tây Bắc cùng trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao tại các bản làng du lịch cộng đồng, hoặc các chợ phiên như San Thàng, Sìn Hồ, Sin Suối Hồ hay Tà Mung.
Lai Châu là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. |
Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Lai Châu còn có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Điều đặc biệt là một số dân tộc chỉ có thể gặp ở Lai Châu như Mảng, La Hủ, Si La… và mỗi dân tộc sẽ mang đến một bản sắc văn hóa khác biệt để tạo nên một bức tranh đa sắc màu. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức lễ Tủ Cải của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào của người H’Mông hay nghệ thuật múa Xòe, hát Then của dân tộc Thái.
Ngoài ra, khí hậu trong lành, mát mẻ ở vùng cao kết hợp với phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp ở Lai Châu còn rất thích hợp để phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển được ví như Sa Pa thứ hai của vùng Tây Bắc với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 18 độ C. Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bạt ngàn rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang uốn lượn và các bản làng thấp thoáng trên sườn núi trong biển mây mù. Đây sẽ là những yếu tố thu hút khách du lịch khi xu hướng hiện nay là tìm đến những địa điểm còn nhiều nét hoang sơ và giữ nguyên bản sắc, chưa bị thương mại hóa như Lai Châu.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá ngành du lịch Lai Châu vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Loại hình và sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, các dự án đầu tư lớn về du lịch còn hạn chế. Tỉnh cũng chưa tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, hình ảnh du lịch Lai Châu chưa đến được các thị trường quốc tế. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và porter tại các điểm du lịch.
Biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Các Nghị quyết của tỉnh Lai Châu đều xác định du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương trong thời gian tới, có sức lan tỏa, có vai trò thúc đẩy các lĩnh vực khác. Định hướng này hoàn toàn hợp lý khi dư địa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang xoay quanh 3 trục chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch.
Tỉnh Lai Châu xác định du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới. |
Thực hiện mục tiêu nêu trên, trong những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã quan tâm đầu tư cho việc phát triển du lịch, thông qua du lịch để cải thiện cuộc sống của người dân. Toàn bộ các kế hoạch, chương trình của Trung ương đều được cụ thể hóa bằng các kế hoạch của tỉnh. Đó là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt Đề án “ Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 1449/KH-UBND ngày 05/5/2022 của UBND tỉnh Lai Châu... Trong đó, 2 Nghị quyết chuyên đề của tỉnh đã tập trung vào nhiệm vụ chính là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể như liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu…
Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương; kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Lai Châu sẽ không đánh đổi bằng mọi giá để phát triển du lịch. |
Trong năm 2023, Lai Châu ước đón khoảng 1,045 triệu lượt khách, tăng 37,1% so với năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 784,309 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hướng đến năm 2024, ngành du lịch Lai Châu phấn đấu thực hiện chỉ tiêu 1,128 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 974,756 tỷ đồng, tổng lượt khách du lịch tăng 7,9% so với năm 2023. Đến năm 2025, tỉnh dự kiến đón khoảng 2 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 là 5 triệu lượt khách/năm. Quan trọng hơn nữa là tỉnh sẽ tìm cách hoàn thiện các bản du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân hoàn thiện hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn. Khi đó, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Kháng - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là phát triển du lịch bền vững, không phát triển xô bồ bằng mọi giá vì điều này có thể làm mai một các giá trị văn hóa truyền thống, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên. Lai Châu muốn phát triển du lịch nhưng vẫn phải bảo tồn được các giá trị văn hóa và thiên nhiên. Lai Châu có thể đi sau, không phát triển nhanh chóng nhưng sẽ phát triển bền vững vì lợi ích lâu dài.
Hoàng My - Hoài Không
0 bình luận