RỜI CÁI NẮNG 38 ĐỘ CỦA HÀ NỘI, TRẢI NGHIỆM KHÍ HẬU SIÊU MÁT MẺ TẠI SÌN HỒ - LAI CHÂU 3N2D

RỜI CÁI NẮNG 38 ĐỘ CỦA HÀ NỘI, TRẢI NGHIỆM KHÍ HẬU SIÊU MÁT MẺ TẠI SÌN HỒ - LAI CHÂU 3N2D

Team Visit Lai Chau lựa chọn cao nguyên Sìn Hồ làm địa điểm tránh nóng vì nơi đây có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ ngày trung bình khoảng 18-20 độ C. Chuyến đi của team Visit Lai Chau 3n2d có gì hãy cùng theo dõi bài viết này nhé!

Di chuyển lên Sìn Hồ như thế nào?

Khoảng cách từ Hà Nội lên Lai Châu khoảng 400km khá xa. Có nhiều cách di chuyển cho các bạn lựa chọn có thể di chuyển bằng hình thức phượt xe máy nếu tay lái đủ cứng và quen lái địa hình đèo dốc, cũng có thể lựa chọn các nhà xe khách uy tín như nhà xe Ngân Hà, Khánh Thủy đến thành phố Lai Châu sau đó bắt xe buýt số 03 đi Sìn Hồ. Team mình đi xe riêng 7 chỗ hết 1tr8 tiền xăng.

Ở đâu khi đến Sìn Hồ?

Chuyến đi lần này team mình lưu trú tại homestay Bà Sánh nằm ở ngay khu 2, thị trấn Sìn Hồ. Phòng team mình ở sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, cách bài trí đơn giản, vẫn giữ được những nét tự nhiên và đơn sơ của người dân tộc. Đặc biệt Bà Sánh rất vui tính, nấu ăn siêu ngon và tư vấn cho bọn mình rất nhiệt tình về các địa điểm check in ở Sìn Hồ. Team mình thuê phòng cho 7 người với giá 900k/đêm.


Di chuyển thế nào khi đến Sìn Hồ?

Ở Lai Châu mình thấy di chuyển thuận tiện nhất là xe máy, đặc biệt là xe số bởi đường đèo rất nhỏ và dốc khó đi nên mình khuyên các bạn nên di chuyển bằng xe máy nhé. Nếu bạn nào di chuyển bằng ô tô lên Lai Châu thì nên thuê xe máy giống như team mình. Chúng mình thuê xe máy tại homestay Bà Sánh luôn, xe số khỏe, đi chắc chắn, giá thuê xe 1 ngày là 150k (chưa có xăng).

Lịch trình chi tiết

Ngày 1: Bản Pú Đao

Sau khi check in xong team mình ăn trưa luôn tại homestay và nghỉ ngơi. Tới 3h chiều bọn mình bắt đầu tìm đường đến bản Pú Đao đường lên đây khá khó đi vì nằm trên cao lưng chừng đỉnh núi. Bản Pú Đao là bản người Mông thu hút team mình bằng những ngôi nhà bằng gỗ, mái cỏ tranh, tập quán canh tác truyền thống, trang phục và bản sắc văn hóa còn thuần khiết và môi trường vô cùng sạch sẽ. Team mình được một gia đình mời ở lại một đêm để trải nghiệm cuộc sống của người vùng cao như xem cách người Mông nấu ăn, dệt vải… hoàn toàn không mất phí nên mọi người có thể chuẩn bị quà từ trước để cảm ơn.


Ngày 2: Núi đá Ô Tả Phìn - Động Tiên Ông - Thị Trấn Sìn Hồ

8h team mình rời bản Pú Đao di chuyển đến núi đá Ô - Động Tiên Ông thuộc xã Tả Phìn - thắng cảnh có tiếng và là nơi linh thiêng đối với người dân Tả Phìn. Núi Đá Ô gắn với sự tích có ông tiên xuống hạ giới du ngoạn nhưng quá say mê mảnh đất này mà để quên chiếc ô sau đó chiếc ô hóa thành đá. ngay gần khu vực Núi Đá Ô team mình chỉ mất tầm 5 phút đi bộ là tới Động Ông Tiên  với nhiều thạch nhũ, hình thù kỳ lạ, hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm.


Về tới homestay là 2h chiều, team mình nghỉ ngơi đến 5h chiều và quyết định trải nghiệm tắm thuốc dân tộc Dao trong homestay với giá 160k/ người được giới thiệu có công dụng tốt cho xương khớp. Có một lưu ý nhỏ cho mọi người là phụ nữ có thai hoặc người dị ứng, say rượu không nên tắm, khi cảm thấy hoa mắt thì ra luôn là sẽ không sao.

Buổi tối team mình đặt các món đặc sản do bà chủ nấu rất ngon. Một bàn thức ăn đặc sản gồm thịt lợn cắp nách quay, thịt trâu gác bếp, thịt bò gác bếp, Pa Pỉnh Tộp (cá nướng), cá bống vùi tro, xôi tím, các loại rau cho 7 người hết tổng 1tr2.


Ngày 3: Động Pu Sam Cáp

Ngày cuối cùng của team mình ở Lai Châu là khám phá động Pu Sam Cáp. Vừa đặt chân đến đây mình bị choáng ngợp bởi độ hoành tráng của hang động với hệ thống nhũ đá vô cùng đẹp mắt. Pu Sam Cáp chia thành 10 động lớn nhỏ nhưng có 3 hang lớn tiêu biểu nhất được đưa vào khai thác du lịch là Động Thiên Môn, Động Thiên Đường và Động Thủy Tinh. Team mình chỉ tham quan Động Thiên Môn và Động Thiên Đường vì Động Thủy Tinh địa hình khá hiểm trở. 


Vậy thôi đó, thế là kết thúc chuyến đi tránh nóng 3n2đ của team Visit Lai Chau. Hi vọng với những thông tin hữu ích mà bọn mình chia sẻ sẽ giúp ích cho chuyến đi sắp tới của các bạn.


0 bình luận

Viết bình luận của bạn