Vào những ngày cuối năm giá rét, ai có dịp đi qua Tam Đường đều ngỡ ngàng khi thấy những thửa ruộng bậc thang tràn ngập loài hoa vốn chỉ có ở Hà Giang, Lào Cai... Đó là vườn hoa Tam Giác mạch ở bản Rừng Ổi, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Du khách đến đây ai cũng đều ngỡ ngàng, ngắm những ruộng bậc thang với loài hoa chỉ được quảng bá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nay lại xuất hiện ngay trên đất Tam Đường.
Bạn thích ngày nắng chứ? Bạn đã bao giờ thử nhìn theo vệt nắng vẽ một đường dài ngoài cửa sổ để tự hỏi tia nắng đang chiếu sáng đến đâu không? Nhưng nếu bạn mê nắng - cái nắng đặc biệt - thì bạn phải tới Than Uyên để cảm nhận trọn vẹn. Có thể bạn đã đến Than Uyên bao lần nhưng bạn đã đi ngắm thác Nà Khằm chưa? Đường đến đó sẽ qua cánh đồng Mường Than. Bạn sẽ được nhìn nắng tỏa giọt ấm áp trên đồng lúa rộng thứ ba miền Tây Bắc, trên ruộng hoa cải Phương Quang vàng tươi. Và chắc chắn bạn không thể quên nắng trên thác Nà Khằm với những tia cầu vồng lấp lánh...
Suối nước nóng Phiêng Phát nằm trong khu vực quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát xã Trung Đồng, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2010. Suối nước nóng với 2 điểm có nước nóng, lưu lượng nước ổn định đạt 5l/s, Suối nước nóng nằm cách trung tâm huyện khoảng 6km. Hiện nay, số lượng người dân trên địa bàn huyện và ở địa phương khác đến tắm tại suối nước nóng ngày càng tăng, số lượng người tắm thường tăng cao vào khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè nằm trên địa bàn 2 xã Tà Tổng và Mù Cả, là nơi có hệ thực vật và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, nhất là hệ sinh thái rừng. Kết quả khảo sát, điều tra của huyện Mường Tè cho thấy có 542 loài thực vật, trong đó có 57 loài thực vật quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 trong sách đỏ thế giới, đa số là những loài thuốc quý hiếm; 22 loài đặc hữu hẹp cho vùng Tây Bắc, 7 loài nằm trong Nghị định số 32 của Chính phủ và 6 loài đặc trưng cho vùng Tây Bắc: Trám đen, chò nước, giổi xương, chò nâu, đinh, sến, lát hoa…
Sông Đà còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy qua mốc giới số 17 theo hướng Tây Bắc – Đông Nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Sông Đà dài trên 910 km, diện tích lưu vực là 52.900 km². Điểm đầu là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông Đà chảy vào Việt Nam tại mốc 17 - Nơi con suối Nậm Náp chảy vào Sông Đà.
Hòn đá thiêng hay còn được gọi là hòn đá trắng được ví như người thủ lĩnh nằm trên đỉnh Pa Thắng nằm cách trung tâm xã Thu Lũm 14km. Trước đây hòn đá thiêng có tên gọi là Phú Tư nay được chuyển thành Thánh thần trấn biên. Hòn đá chính là tâm hồn, là vị thần núi của đồng bào Hà Nhì ở thượng nguồn sông Đà.
Mường Than là 1 trong 4 cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc thuộc địa phận xã Mường Than huyện Than Uyên. Cánh đồng mênh mông không chỉ tạo vẻ đẹp nên thơ giữa núi rừng hùng vĩ còn là nơi cho ra nhiều sản vật nổi tiếng của địa phương như: Ngô non bao tử, khoai lang Hoàng Long, gạo Sén Cù, gạo Tám...
Hồ thủy điện Bản Chát nằm trên sông Nậm Mu thuộc địa phận xã Mường Kim, cách trung tâm huyện khoảng hơn 10km. Đây là một trong các đập thủy điện cao nhất Việt Nam, cũng là điểm có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với phong cảnh đẹp, đa dạng, thuận lợi và phù hợp với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần.
Được trải dài dọc theo quốc lộ 32, chè có tuổi đời từ 40 – 50 năm với quy mô gần 2000 ha, nằm cách trung tâm thị trấn Tân Uyên không xa, đồi chè tân Uyên hiện là điểm đến yêu thích của nhiều người khi đến với Tân Uyên. Tới đây bạn sẽ được tận hưởng cảnh vật và thiên nhiên trong lành. Đây cũng là nơi nhiều người chọn để chụp ảnh cưới, hoặc thực hiện một bộ ảnh lãng mạn trong đồng chè xanh mướt, giữa lấp lánh nắng vàng. Chè cũng là một trong những cây kinh tế chính của thị trấn với sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước như chè San Tuyết, Ô long, Thanh Tâm....
Quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát thuộc địa phận xã Trung Đồng huyện Tân Uyên được công nhận là công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Nằm ẩn mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát đã thực sự trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1500m. Được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Với khí hậu quanh năm mát mẻ cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như: tam thất, táo mèo, astiso, cây tắm lá thuốc…cùng nhiều giống rau, hoa quả ôn đới đặc sắc như mận, đào, lê…phát triển. Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi…Lên thăm cao nguyên Sìn Hồ du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương …
Núi đá Ô là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nằm trên địa phận xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ, gắn với sự tích của người Dao Khâu kể về Ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá. Núi Đá Ô là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con dân bản, nơi mà người dân thường thắp hương cầu nguyện đặt các lễ vật để dâng cúng cầu mong mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh…nằm gần khu vực Núi Đá Ô là Động Ông Tiên, động có nhiều thạch nhũ với hình thù kỳ lạ được hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm.